Walcott đến Arsenal từ Southampton hồi tháng 1/2006 theo bản hợp đồng trị giá 12 triệu bảng - kỷ lục đối với một cầu thủ 16 tuổi, và được kỳ vọng sẽ trở thành một biểu tượng chiến thắng mới của "các Pháo thủ". Tuy nhiên, đến bây giờ, anh chưa thể vứt bỏ cái mác "thần đồng" để trở thành một ngôi sao thực sự tại sân Emirates như kỳ vọng. Anh vẫn phải đánh bạn với ghế dự bị, và thỉnh thoảng mới được tung vào sân, dù mỗi lần xuất hiện đều ghi dấu ấn.
Sau 2 năm, vị trí quen thuộc của Walcott (phải) ở Arsenal vẫn là băng ghế dự bị. Ảnh: Arsenal Pics. |
Hoàn cảnh của Walcott hiện tại có phần tương tự Bentley trước năm 2006. Lên đội một khi mới 16 tuổi và được ca tụng như "Dennis Berkamp mới", nhưng áp lực cạnh tranh, gánh nặng của sự kỳ vọng khiến cầu thủ chạy cánh này không thể phát triển tài năng ở Arsenal. 3 năm làm "Pháo thủ" (2001-2004), anh chỉ ra sân đúng một trận ở Premiership. Phải đến khi "bị" đẩy sang Blackburn năm 2005 theo dạng hợp đồng cho mượn và bán đứt cho CLB này sau đó một năm, sự nghiệp của Bentley mới thật sự "lên hương".
Tại CLB mới, Bentley nhanh chóng khẳng định được tên tuổi và trở thành trụ cột không thể thay thế dưới thời HLV Mark Hughes. Tốc độ, kỹ thuật, những quả tạt chuẩn xác từ 2 biên và tài đá phạt của tiền vệ 23 tuổi này được xem là yếu tố quan trọng giúp Blackburn chơi khởi sắc ở giải Ngoại hạng 2 mùa gần đây và vào đến vòng hai Cup UEFA mùa 2006-2007. Một suất chính thức bên hành lang phải tuyển Anh hiện tại là sự ghi nhận tuyệt vời nhất sự tiến bộ của Bentley sau khi chia tay Arsenal.
Từ trải nghiệm bản thân, mới đây Bentley đã đăng đàn khuyên "người đồng cảnh ngộ" Walcott. "Là một cầu thủ, cậu ấy cần ra sân thường xuyên để được mài dũa những kỹ năng bóng đá, có như vậy thì mới tiến bộ. Nếu không được trọng dụng, Walcott nên tìm một hướng đi mới để có cơ hội tỏa sáng, chứ không nên để sự nghiệp của mình đi vào ngõ cụt ở Arsenal".
Từng đau khổ ở Arsenal nên Bentley tin rằng ra đi là cách tốt nhất để Walcott thành danh. Ảnh: AK. |
Những lời lẽ trên không khỏi làm Wenger bực bội: "Ai cũng có quan điểm của mình. Nhưng tôi rất không hài lòng khi Bentley lên tiếng xúi giục cầu thủ của tôi bỏ đội bóng. Đó không phải là việc của cậu ấy. Arsenal nằm trong số ít CLB lớn nhất thế giới và một khi đã đứng trong tập thể ấy, các cầu thủ phải chấp nhận cạnh tranh. Chỉ như thế họ mới có cơ hội tiến bộ. Ngược lại, họ là những kẻ thất bại".
Wenger cũng lớn tiếng bảo vệ quan điểm về việc sử dụng Walcott: "Mọi người đã quên rằng cậu ấy vẫn còn quá trẻ. Ở tuổi 18, rất khó để Walcott chiếm suất đá chính tại một CLB lớn như Arsenal. Phẩm chất cũng như đóng góp lớn nhất của cậu ấy cho đội bóng vào thời điểm này là mang lại đột biến về mặt lối chơi mỗi khi vào sân từ ghế dự bị. Nhìn chung, Walcott vẫn đang trong thời kỳ quá độ, nhưng trong tương lai không xa, cậu ấy sẽ trở thành một ngôi sao lớn".
"Giáo sư" còn dẫn trường hợp Nicolas Anelka cách đây 11 năm để củng cố lý lẽ của của ông: "Cậu ấy về với Arsenal khi mới 17 tuổi rưỡi. Trong 4 tháng đầu, Anelka thích nghi rất chậm chạp và bị đuối so với đà đi lên của toàn đội. Tuy nhiên, chỉ thêm hai tháng nữa, cậu ấy tiến bộ đến chóng mặt và có ảnh hưởng đến lối chơi của toàn đội hơn cả cầu thủ dày dạn kinh nghiệm Ian Wright".
Wenger vẫn bảo vệ quan điểm trong việc "chăm bẵm" tài năng của Walcott. Ảnh: DM. |
Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng tình từ Ban lãnh đạo. "Dưới bàn tay nhào nặn của Wenger, Arsenal đang sở hữu một tập thể nhiều tài năng và chơi hay vượt quá mong đợi", Tổng giám đốc Keith Edelman nhận xét. "Khi Adebayor đá trận đầu tiên, tôi nhận được 5 lá thư phàn nàn rằng tại sao Arsenal lại mua những cầu thủ như vậy. Giờ thì tất cả đều thấy Adebayor tuyệt vời như thế nào. Wenger là một bậc thầy trong việc phát hiện và phát triển các tài năng trẻ".
Phương Minh