Thứ ba, 11/9/2018, 10:40 (GMT+7)

Cha đẻ của khái niệm công nghiệp 4.0: 'Đừng để con người thành nô lệ của robot'

Ông Klaus Schwab cho rằng con người cần là trung tâm của Cuộc Cách mạng 4.0 và  robot chỉ là công cụ để phục vụ, hỗ trợ.

Trong buổi họp báo sáng nay về Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) - Klaus Schwab cho rằng thế giới không thể xem nhẹ tác động của cuộc cách mạng này, với cả các mô hình kinh doanh và các quốc gia. Nó không chỉ đơn thuần về một công nghệ, như các cuộc cách mạng trước đây, mà là về nhiều loại công nghệ khác nhau. Bên cạnh đó, cách mạng 4.0 còn có tốc độ phát triển rất nhanh.

“Vì vậy, điều cần làm trong dài hạn, không chỉ ở Việt Nam, mà cả mọi nơi, là đảm bảo con người luôn ở trung tâm của cuộc cách mạng”, ông nhấn mạnh. WEF đã thành lập một bộ phận đặc biệt, đặt ở nhiều nơi trên thế giới, để hỗ trợ, đảm bảo con người không trở thành nô lệ của robot. Robot chỉ là công cụ phục vụ con người.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn (trái) và Chủ tịch WEF - Klaus Schwab (giữa) trong sự kiện sáng nay. Ảnh: Giang Huy

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn (trái) và Chủ tịch WEF - Klaus Schwab (giữa) trong sự kiện sáng nay. Ảnh: Giang Huy

Ông cho biết mục tiêu của diễn đàn lần này là thu hút sự quan tâm của mọi người về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, nâng cao tinh thần doanh nhân và giúp chính phủ đưa ra các chính sách phù hợp. Chủ tịch WEF kỳ vọng mọi người không coi 4.0 là mối đe dọa, mà là cơ hội để Việt Nam và các nước trong khu vực tăng tính cạnh tranh. “Các nước trên thế giới bỏ lỡ chuyến tàu 4.0 sẽ thất bại”, ông nhấn mạnh.

Khẳng định Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 sẽ khiến nhiều việc làm hiện tại mất đi, ông Schwab cho rằng “chúng ta không nên bi quan, mà phải lạc quan”, vì nhiều việc làm mới cũng sẽ được tạo ra. Điều quan trọng là chính phủ cần có chính sách cần thiết để tạo thuận lợi cho quá trình chuyển dịch. Giáo dục – đào tạo về công nghệ mới cần được chú trọng, đặc biệt với người trẻ. Tư duy của mọi người cũng cần thay đổi để thích ứng.

Thứ trưởng Ngoại giao - Bùi Thanh Sơn cũng đồng ý với nhận định về tác động toàn diện của cuộc cách mạng này trên thế giới. Không quốc gia nào không bị ảnh hưởng bởi 4.0. “Hiểu rõ tác động của việc này với cả các doanh nghiệp, nền kinh tế, quốc gia và cả xã hội là điều quan trọng để đảm bảo thành công trong thế kỷ 21”, ông khẳng định. Ông cũng cảm ơn vì WEF đã hỗ trợ Việt Nam tận dụng cơ hội từ Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Về phần mình, Chủ tịch WEF cho biết “đã có sự hợp tác tuyệt vời với Việt Nam”. Điều này thể hiện ở con số 1.000 đại biểu đăng ký tham dự diễn đàn. Đây cũng là hội nghị WEF ASEAN quy mô lớn nhất đến nay. Nó cho thấy sự tự tin và tiềm năng của cả Việt Nam lẫn khu vực ASEAN.

Hà Thu

 

Chia sẻ bài viết qua email