Trong Báo cáo cập nhật về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, WB đưa ra nhận định này và khuyến nghị tiếp tục dành ưu tiên cho mục tiêu ổn định kinh tế.
Các chuyên gia của WB nhận định, gói chính sách bình ổn kinh tế được Chính phủ Việt Nam thực hiện, trong đó hàng đầu là biện pháp thắt chặt tiền tệ, đã tỏ ra hiệu quả. "Điều này gợi ý về sự cần thiết phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ", báo cáo của WB cho hay.
Theo WB, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể phục hồi nhanh hơn so với các mục tiêu chính thức. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo WB, nếu nhìn bề ngoài, sẽ thấy hiệu quả của gói chính sách chưa rõ nét trong việc bình ổn các cân đối kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu chú ý đến độ trễ khoảng 3 tháng, sẽ thấy chính sách thắt chặt hiện nay đã có hiệu quả.
Dẫn chứng cho điều này, WB cho hay, ngoại trừ tháng 5 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng do ảnh hưởng tâm lý từ đợt tăng giá gạo, thực tế giá cả bắt đầu hạ nhiệt từ tháng 3. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu tăng cao, song tỷ lệ tăng so với cùng kỳ năm 2007 cũng giảm tốc trong cùng tháng 3.
Các chuyên gia của WB nhận định: "Nếu xu hướng này được khẳng định, và kỷ luật tiền tệ nghiêm ngặt tiếp tục được theo đuổi, có thể hy vọng lạm phát với các mặt hàng phi lương thực và giá trị nhập khẩu hàng tháng sẽ giảm dần trong các tháng tới".
Ngân hàng Thế giới cũng tỏ ra lạc quan về nền kinh tế trong dài hạn, dù tình hình không thể thuận lợi bằng một năm trước đây. "Chính phủ quyết tâm chống lạm phát và gói chính sách bình ổn sẽ dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn so với dự báo đưa ra đầu năm. Tuy nhiên, nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn mạnh và tăng trưởng GDP có thể sẽ nhanh phục hồi hơn so với mục tiêu chính thức", báo cáo của WB cho hay.
WB cũng cho rằng, nhìn nhận một cách tích cực thì quyết tâm thực hiện gói chính sách bình ổn kinh tế của Chính phủ sẽ không làm tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại đáng kể. Tuy nhiên, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý, cần thực hiện các biện pháp khác trong gói chính sách ổn định kinh tế, chứ không thể dựa hoàn toàn vào thắt chặt tiền tệ.
Ngọc Châu