Trên đường Hồ Tùng Mậu và Cầu Diễn hướng vào trung tâm Hà Nội, hai chốt kiểm soát dịch do Đội cảnh sát giao thông số 6 phụ trách không yêu cầu các phương tiện dừng lại để kiểm tra như những ngày trước.
Một cảnh sát cho biết, từ sáng nay (16/9) chốt đã dừng kiểm tra giấy đi đường. "Chúng tôi chủ yếu xem xét lượng phương tiện, nếu có trường hợp nào khả nghi thì mới dừng xe để kiểm soát", vị này nói.
Theo Đại úy Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) lưu lượng phương tiện qua chốt (khu vực giáp ranh quận Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy) vào trưa nay bình thường, tuy nhiên đã tăng dần vào buổi chiều. "Chúng tôi bố trí lực lượng để kiểm soát ùn tắc vào giờ cao điểm chiều nay", ông Chinh cho biết.
Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy là hai trong số 19 quận, huyện "vùng xanh" Hà Nội được mở lại một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Các đơn vị còn lại gồm: Ba Đình, Ba Vì, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa và Tây Hồ.
Từ trưa nay (16/9), trên phố Tô Hiệu dài hơn một km - khu ẩm thực từng sầm uất nhất quận Cầu Giấy, có 8 cửa hàng mở lại. Hàng chục cơ sở khác vẫn đóng cửa, bên trong nhân viên dọn dẹp vệ sinh; một số nơi dán biển cho thuê mặt bằng, không có dấu hiệu hoạt động trở lại.
Anh Lê Tuấn Đạt, 48 tuổi (quê Phủ Lý, Hà Nam), chủ quán bánh đa cá rô, treo tấm biển "bán mang về" trước quầy hàng. Bốn nhân viên luôn tay sắp xếp sẵn bát nhựa, túi nilon. Nồi nước dùng chuẩn bị từ chiều tối qua, tỏa mùi thơm nước hầm xương, bốc khói nghi ngút.
Vừa mở được chưa đầy 10 phút, ba khách đã đến đặt 6 bát bánh đa. Chủ quán đưa tận tay khách vẻ hồ hởi, không quên thông báo hôm nay quán sẽ mở đến 21h.
Gần hai tháng qua, anh Đạt phải chi trả tiền thuê mặt bằng, tiền lương nuôi ăn ở cho 9 nhân viên, hơn 100 triệu đồng. Trước khi phải đóng cửa theo chủ trương giãn cách xã hội của thành phố (từ 24/7), quán của anh mỗi ngày bán được hơn 400 suất ăn.
Hơn 8 năm mở quán, chưa bao giờ anh gặp phải tình cảnh khó khăn như thời gian qua. "Tôi mong chờ từng ngày quyết định nới lỏng, nếu kéo dài thêm một tháng, tôi sẽ phải trả lại lại mặt bằng. Bán mang về, chắc chắn sẽ số lượng bán sẽ giảm một nửa nhưng dù sao vẫn đủ để cầm cự", anh Đạt chia sẻ.
Cách phố Tô Hiệu hơn 3 km, chị Chu Thị Thêm, 32 tuổi, chủ quán phở trên phố Văn Cao, quận Ba Đình, cùng hai nhân viên tranh thủ dọn dẹp. "Sau hai tháng nghỉ mọi thứ bừa bộn, chắc phải hai hôm nữa tôi mới mở bán trở lại", chị Thêm nói.
Trước khi đóng cửa để phòng dịch, mỗi ngày quán của chị Thêm bán được ít nhất 500 tô phở, số nhân viên khoảng 10 người. Khi có dịch, quá nửa số nhân viên quán chị Thêm nghỉ để về quê, đến nay chưa quay lại làm việc.
Cạnh quán chị Thêm, chị Trương Thanh Thủy, 45 tuổi, luôn tay bốc bánh phở, đóng hộp nước lèo cho 10 khách đang đứng đợi. "Mọi người đứng cách nhau 2 m giúp cho ạ!", chị liên tục nói to. Trong vòng 30 phút, quán của chị bán được gần 50 bát phở.
"Hai tháng qua với tôi thật sự quá buồn, nay được mở lại thì không còn từ nào để diễn tả niềm vui. Bao nhiêu việc cần phải chi tiêu mà đóng cửa thêm nữa thì rất khó khăn", chị Thủy nói.
Đứng chờ gần 30 phút mới lấy được 8 bát phở mang về, chị Đặng Thị Dung (phố Trần Bình, quận Cầu Giấy) háo hức nói "Thật sự nhớ mùi phở". Đứng đợi cùng chị Dung còn có vợ chồng Dan Owen (quốc tịch Anh). Dan tới Việt Nam cách đây 5 năm và lấy vợ người Việt, hai tháng giãn cách, cả hai gần như không đi ra ngoài. "Ngoài phở, tôi còn rất thích ăn bún chả. Tôi đã mong chờ ngày này lâu rồi", Dan nói.
Cũng trong chiều nay, hàng loạt cơ sở sửa chữa ôtô, xe máy... đã đồng loạt mở cửa. Nằm trong một con ngõ trên phố Kim Mã, quận Ba Đình, tiệm sửa xe của anh Đỗ Thành Công (31 tuổi, ở phường Xuân La, quận Tây Hồ) đóng cửa suốt hơn hai tháng qua. Nguồn thu nhập chính của gia đình bị ngắt quãng vì Covid-19. Nay được mở lại, anh Công chia sẻ "rất vui vì bao ngày qua thèm cảm giác tay chân lấm lem dầu mỡ".
Trong ngày mở cửa trở lại, anh Công lúi hút một mình sửa xe cho khách. Trước đây anh thuê hai thợ phụ nhưng đều đã về quê tránh dịch.
Trên phố Đội Cấn, quận Ba Đình, tiệm sửa xe của anh Hà Văn Thể (45 tuổi) cũng đón những vị khách đầu tiên trong ngày. 20 năm theo nghề, chưa khi nào anh Thể phải dừng công việc lâu như thời gian qua. "Được mở cửa trở lại là vui rồi, chỉ mong dịch bệnh không còn nữa", anh chia sẻ.
Trong khi nhiều quán bán đồ ăn, cơ sở sửa chữa ôtô, xe máy... đã mở lại, ghi nhận khu vực quận Cầu Giấy, Ba Đình cho thấy một số cửa hàng văn phòng phẩm lớn vẫn đóng cửa. Tại một cửa hàng trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy), bên ngoài cửa khóa, bên trong hơn 10 nhân viên đang quét dọn, sắp xếp lại bàn ghế. Gần hai tháng nghỉ bán chống dịch, cửa hàng này phải dùng bạt phủ lên các kệ trưng bày để tránh bụi.
Chiều qua 15/9, Hà Nội cho phép 19 quận, huyện được mở lại cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng.
Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng được hoạt động, song chỉ bán mang về, và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Trong đợt dịch thứ 4, từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 3.869 ca mắc Covid-19, trong đó số mắc ngoài cộng đồng 1.596, số mắc đã được cách ly 2.273.
Tất Định - Phạm Chiểu