![]() |
Nhộn nhịp "phố cưới". Ảnh: Công An Nhân Dân. |
Những ngày này, về "phố cưới công nhân" nằm trên quốc lộ 1A, huyện Dĩ An, Bình Dương, đi đến đâu cũng nghe công nhân bàn chuyện cưới xin rôm rả, từ các phòng trọ cho đến quán cà phê hay xưởng sản xuất. "Phố cưới" chỉ nằm trên đoạn đường chưa đầy 2 km nhưng tập trung hơn 30 nhà hàng, khách sạn chuyên phục vụ việc cưới xin cho giới công nhân.
Hai ngày thứ 7 và chủ nhật trong tuần, "phố cưới" phục vụ khoảng 400 tiệc cưới. Từ sáng sớm, phía trước các nhà hàng, khách sạn đã chưng sẵn một dãy ảnh cưới và lọng che cô dâu, chú rể màu đỏ thắm. Hầu hết nhà hàng có bao nhiêu tiền sảnh thì đều kín hết chỗ, cô dâu chú rể phải chen chân nhau đứng đón khách.
Chuyện tiệc cưới ở đây cũng lắm nỗi bi hài. Nhà hàng đãi tiệc trưa xong lại lo tiệc chiều sắp sửa nên mọi thứ đều vội vã, có khi kháhc chưa tan mà hoa, rượu đã được dọn sạch. Người dẫn chương trình cũng giới thiệu qua loa mấy câu sáo mòn rồi chạy sô đến tiệc cưới khác.
Nhà hàng cũng không sợ làm buồn cô dâu, chú rể và khách mời vì mọi thứ như đã quen rồi. Vả lại, tiền đặt tiệc của công nhân không được bao nhiêu.
Tại một nhà hàng trong "phố", chú rể tên Hà, quê tỉnh Hải Dương tâm sự: "Mọi thứ tụi em phải giảm hết mức, chỉ có khách là mời đông hơn, chỉ mong họ đi được 60% là vui rồi".
Xế trưa, nhưng lượng khách vẫn thưa thớt. Các cô dâu, chú rể cố vui chào khách. Nhưng những người làm cha, làm mẹ từ quê miền Trung, miền Bắc vào dự đám cưới của con không nén nổi tiếng thở dài.
Chị Thu, mới từ Nghệ An vào tổ chức đám cưới cho cậu con trai trưởng, không giấu nổi nỗi buồn khi nghe con trình bày: "Cô ấy đã có thai". Chị tâm sự: "Thằng bé còn dại lắm, mới 18 tuổi, vào làm công nhân hơn 1 năm nay, lương ba cọc ba đồng, cưới về lấy gì nuôi nhau". Và thực tế, trong những đám cưới diễn ra ở đây, không hiếm trường hợp tương tự như con chị.
Chuẩn bị một đám cưới, cô dâu và chú rể đã phải tích cóp, dè sẻn trong chi tiêu trước đó cả năm trời, chi phí hạn chế đến mức thấp nhất mới đủ như thuê áo cưới, xe hoa miễn, thiệp cưới chọn loại rẻ nhất.
Thường, trong đám cưới công nhân, cô dâu, chú rể ham mời nhiều khách. Nhưng với đồng lương vốn đã hạn hẹp, lại phải chi phí cuộc sống xa quê, bạn bè cùng làm còn đâu tiền để đi đám cưới.
Trong căn phòng trọ của nhóm công nhân quê Thanh Hóa nằm sau chợ An Bình, Bình Dương, bạn Lương Thị Hải Ngọc tâm sự: "Trung bình một tháng chúng em nhận được khoảng 10 thiệp cưới, bỏ phong bì bèo nhất cũng 50 nghìn, thân phải là 100 nghìn, nếu đi hết thì không thể, ngoài ra tiền nhà trọ, tiền điện, tiền ăn...".
Còn trong căn phòng trọ vẻn vẹn hơn 5 m2, cũng là phòng tân hôn của đôi vợ chồng trẻ, chú rể Hà ở Hải Dương cũng kể: "Thú thật, khi bọn em tổ chức đám cưới, gia đình, dòng họ ở quê chỉ cử một vài người đại diện vào dự thôi, chứ đông người đi lại tốn kém, mà biết ngủ, nghỉ ở đâu?".
Trước ngày đám cưới, các bạn cùng phòng với Hà tự động chuyển chỗ. Bố mẹ anh từ quê vào cũng được tạm cư ở một phòng người bạn khác để nhường căn trọ nhỏ tân hôn cho đôi bạn trẻ.
Vào mùa cưới, bên cạnh tâm trạng bộn bề của những cặp nam, nữ công nhân quyết định kết hôn, các nhà hàng, khách sạn ở "phố cưới" lại bội thu. Họ hầu hết cạnh tranh với nhau bằng những chiêu giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn để lôi kéo khách hàng.
Các công nhân nơi đây cho biết, không cần khuyến mãi thì dịp cuối năm cũng kín hết chỗ. Người đăng ký đặt tiệc phải đặt cọc trước cả tháng mới được. Các dịch vụ ăn theo như in thiệp, cho thuê áo cưới, chụp ảnh, quay phim mọc lên ở vùng đất này như nấm sau mưa.
Thời điểm này, "phố cưới" đang vào mùa với những náo nức, tưng bừng, nhưng cũng đầy ưu tư, trăn trở.
(Theo Công An Nhân Dân)