Hôm 27/12, các quan chức của đại sứ quán Mỹ ở Islamabad đã chìa tay ra với các thành viên của đảng của cựu thủ tướng Nawaz Sharif. Việc họ thậm chí đã nói chuyện với những người thân cận của ông Sharif - những người mà Mỹ tin là có nhiều mối quan hệ với người Hồi giáo - đã đủ cho thấy Mỹ gặp khó khăn như thế nào khi tìm kiếm một đối tác đủ tin cậy.
Vụ ám sát nói trên đã cho thấy rõ tính bất khả thi của hai mục tiêu chính mà Tổng thống Mỹ Bush đặt ra cho khu vực: một là tìm cách mang dân chủ đến cho thế giới Hồi giáo và hai là cố gắng truy tìm những kẻ Hồi giáo cực đoan ở Pakistan – cường quốc hạt nhân bị Mỹ coi là vẫn ở điểm xuất phát trong cuộc chiến chống khủng bố của ông Bush, dù chính quyền Pakistan đã cố gắng rất nhiều để có thể nhổ rễ Al Qaeda khỏi biên giới với Afghanistan.
Nhiều quan chức của chính phủ Mỹ nói rằng Washington muốn cuộc bầu cử ở Pakistan diễn ra như dự kiến vào ngày 8/1 tới hoặc có thể chậm hơn một chút. Nhưng một số quan chức cao cấp hơn trong chính quyền lại thừa nhận, Tổng thống Pervez Musharraf có thể quyết định hoãn cuộc bầu cử nếu không khí chính trị bất ổn ở Pakistan ngày càng đi theo chiều hướng xấu hơn.
Một quan chức giấu tên của chính quyền Mỹ cho biết, Đại sứ quán Mỹ ở Pakistan đang chìa tay ra cho tất cả những người chơi trên bàn cờ chính trị của Pakistan. Ông nói: “Hãy nhìn xem, đa số người đồng đảng của ông Musharraf đã chuyển sang đảng của ông Nawaz”.
Các chuyên gia phân tích về chính sách đối ngoại và nhiều nhà ngoại giao cho rằng, nếu có một điều gì đó mà vụ ám sát bà Bhutto có thể làm sáng tỏ, thì đó là việc Mỹ không thể thay đổi các công việc nội chính của Pakistan. Ngay cả trước khi bà bị ám sát, tầm ảnh hưởng của Mỹ cũng đã rất hạn chế và không thể dựa hoàn toàn vào bà Bhutto.
“Chúng ta chỉ là một quân cờ trong hệ thống chính trị Pakistan”, một cựu Đại sứ Mỹ ở Pakistan, Wendy Chamberlin, nhận định. Theo bà, vì thế Mỹ phần nào đã đổ lỗi cho sự giảm sút tỷ lệ được lòng dân của ông Musharraf. Nhưng bà Chamberlin cũng nói thêm: “Đây là Pakistan. Và Pakistan là một nơi cực kỳ bạo lực và nguy hiểm”.
Pakistan chưa bao giờ quan trọng với Mỹ hơn lúc này bởi nó đang đứng bên bờ vực rối loạn nội bộ. Các quan chức của chính quyền Bush đã từng rất cố gắng để cân bằng giữa một bên là đòi hỏi của Mỹ buộc Pakistan phải tiến tới dân chủ, với một bên là sự không sẵn lòng của ông Musharraf vì phải đứng trước nguy cơ rối loạn - tình thế có thể giúp cho Al Qaeda và Taliban mở các chiến dịch tấn công dữ dội hơn, đặc biệt là nhằm vào quân đội Mỹ và NATO ở Afghanistan láng giềng.
Chính vì thế, chính quyền Mỹ đã tác động rất mạnh, trong sự hoài nghi của nhiều nước đồng minh, để đạt được một thỏa thuận theo đó ông Musharraf (đang ngày càng mất lòng dân) phải chia sẻ quyền lực với bà Bhutto sau cuộc bầu cử tổng thống và nghị viện. Các quan chức Mỹ nhìn thấy ở sự chia sẻ quyền lực này một con đường để buộc ông Musharraf phải đi theo những bước chân dân chủ của Mỹ, và cách để tăng thêm sức ép cho đối thủ của ông – là bà Bhutto. Cũng chính từ kế hoạch này, bà Bhutto đã trở lại Pakistan hồi tháng 10 sau tám năm lưu vong.
Nhưng thỏa thuận chia sẻ quyền lực ấy chưa bao giờ có hiệu lực, vì một loạt các biện pháp của tổng thống, trong đó có việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Mặc dù vậy, chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục thúc giục bà Bhutto tiến tới “hôn lễ chính trị đã dàn xếp” với ông Musharraf, kể cả trong thời gian ông áp dụng thiết quân luật.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Negroponte đã đến Pakistan tháng 11 vừa qua và nói chuyện điện thoại với bà Bhutto khi ông Musharraf giam lỏng bà ở dinh thự riêng của bà. Negroponte đã tiếp tục thuyết phục Bhutto chấp nhận kế hoạch.
“Tôi cho là chuyện này thật điên rồ”, Teresita Schaffer, một chuyên gia của Pakistan làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, nói về đề nghị dàn xếp liên minh. “Tôi không nghĩ rằng Musharraf muốn chia sẻ quyền lực bao giờ cả”.
Cho đến trước tuần vừa rồi, chính quyền Bush cũng vẫn còn hy vọng Musharraf và Bhutto sẽ tạo thành một liên minh giữa hai đảng phái chính trị sau ngày 8/1, điều sẽ dẫn tới một chính phủ liên minh thân Mỹ mà Mỹ hằng mong muốn.
Vụ ám sát bà Bhutto đã đảo lộn hoàn toàn kế hoạch này. Nhưng các quan chức chính quyền Bush vẫn không từ bỏ hy vọng rằng Musharraf có thể tạo lập được một liên minh cầm quyền với người sẽ kế nhiệm bà Bhutto đứng đầu đảng Nhân dân Pakistan.
Vấn đề của kịch bản này là ở chỗ, các đảng phái của Pakistan khỏe hay không tùy thuộc vào các cá nhân có uy quyền – như ông Musharraf, bà Bhutto hay ông Sharif - chứ không phải dựa vào chính sức lực của đảng phái đó.
Một vấn đề khác là sự ủng hộ vững vàng của ông Bush dành cho ông Musharraf lại có thể tạo thành nguyên nhân khiến ông này tụt dốc trong các cuộc thăm dò sự ủng hộ của dư luận.
“Mối nguy hiểm là những nhân tố trung dung của Pakistan sẽ nản lòng”, đó là phân tích của Stephen Cohen, chuyên gia ở Viện nghiên cứu chính sách độc lập, phi lợi nhuận mang tên Brookings Institution, đặt trụ sở tại Washington. Ông chỉ trích chính quyền Mỹ đã không “nuôi” phe đối lập ở Pakistan sau khi ông Musharraf lên nắm quyền năm 1999 sau cuộc đảo chính. Ông hy vọng rằng Mỹ sẽ vẫn thúc đẩy các đảng phái ôn hòa liên minh liên kết với Musharraf, tạo thành một chính phủ liên hiệp, đảm bảo lịch trình bầu cử diễn ra như dự kiến. Anh nói: “Cần phải thức tỉnh những người nghĩ rằng Pakistan là một nước ổn định và rằng chúng ta có thể xử lý vấn đề chỉ với ông Musharraf”.
Các chuyên gia của Pakistan cho rằng chính quyền Mỹ đã nhầm khi nhìn Sharif với con mắt nghi ngờ. Họ nói cựu thủ tướng là một người ôn hòa và muốn cộng tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, và nhắc lại sự hợp tác của ông với chính quyền Clinton trong những nỗ lực chống khủng bố những năm 1990.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mỹ Arlen Specter đã đến Islamabad với Hạ nghị sĩ Dân chủ Patrick Kennedy, với mục đích gặp bà Bhutto vào đêm thứ năm – cái ngày mà người ta đưa tin về vụ đánh bom. Sau khi nghe tin ở khách sạn, họ đã nói: “Tôi nghĩ là chính sách đối ngoại của chúng ta (tức Mỹ) dựa vào cá nhân bà, coi đây là một sức mạnh bình ổn. Giờ không còn bà ấy nữa, chúng ta phải làm lại từ đầu.”
Bạch Dương (theo IHT)