Số liệu do Tổng cục Thống kê (GSO) công bố tại cuộc họp báo sáng nay về kinh tế - xã hội năm 2008 cho thấy, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá thực tế ước tính chiếm 43,1% GDP, tăng 22,2% so với năm trước. Trong đó, khu vực Nhà nước giảm 11,4%, ngoài Nhà nước tăng 42,7% và khu vực FDI tăng 46,9%. Trước đó, trong năm 2007, tỷ lệ vốn đầu tư xã hội so với GDP của Việt Nam là 46,6%.
Trao đổi với báo giới, ông Bùi Bá Cường, Vụ trưởng Vụ hệ thống tài khoản quốc gia (GSO), nếu loại trừ yếu tố giá, nguồn vốn cho tổng đầu tư năm nay tăng 7,67%, trong khi GDP tăng 6,23%. "Tốc độ tăng vốn trong năm nay không phải là quá cao, và việc chi tiêu công khá tốt, vì đã hạn chế nguồn vốn của Nhà nước, và tăng vốn thực hiện của khối doanh nghiệp FDI", ông Cường phân tích.
Tiêu dùng của người dân có xu hướng giảm, với tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng chỉ là 6,5%. Ảnh: Hoàng Hà |
Theo đánh giá của GSO, trong bối cảnh trải qua nhiều biến động năm 2008, kinh tế Việt Nam vẫn ở mức khả quan, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,23%, giúp đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nhập siêu, sau những tháng tăng mạnh hồi đầu năm, đã dần chậm lại và ước tính cả năm đứng ở mức 17,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, khá nhiều bất ổn được liệt kê, trong đó đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. Tổng sản phẩm trong nước quý III và IV năm 2007 lần lượt tăng 8,62% và 9,24%. Nhưng hai quý tương ứng của năm nay chỉ là 6,18% và 6,13%. Tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và dịch vụ ở mức thấp 6,33%. Trong khi đó, sau khi loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng chỉ còn tăng 6,5%, dù con số tính theo giá thực tế vẫn là 31%.
GSO cũng cho rằng, kết quả kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc, bởi tốc độ giá tiêu dùng sau khi được kiềm chế, vẫn ở mức 19,89%, cao nhất kể từ năm 1992. Nếu tính theo phương pháp bình quân, chỉ số giá tăng 22,97%.
Ngọc Châu