Riêng trong tháng 9, các dự án được cấp phép có quy mô vốn nhỏ, trừ dự án khu liên hợp thép của liên doanh giữa tập đoàn Lion (Malaysia) và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Với lượng vốn đăng ký tới 9,8 tỷ USD, dự án này đưa số vốn trong tháng 9 đội lên 9,9 tỷ USD.
Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 9 tháng, các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký và được cấp phép đầu tư vào Việt Nam 57,12 tỷ USD, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn cho các dự án mới chiếm hầu như toàn bộ, với 56,2 tỷ USD, còn lượng tăng vốn cho các dự án đang hoạt động chỉ chiếm 855,7 triệu USD.
Các doanh nghiệp nước ngoài từ đầu năm đến nay giải ngân được khoảng 8,1 tỷ USD, trong đó số vốn đóng góp các dự án này của phía Việt Nam chiếm 10-12%. Doanh thu của các doanh nghiệp này đạt khoảng 35,3 tỷ USD, trong đó 18,1 tỷ USD là từ xuất khẩu.
Trong 885 dự án cấp mới trong năm nay, phần lớn thực hiện theo hình thức 100% vốn nước ngoài, chiếm 76%. Tuy nhiên, các dự án lớn nhất đều do liên doanh với các đối tác trong nước thực hiện, bao gồm cả vốn của phía Việt Nam.
Vốn đăng ký trong 9 tháng đầu năm nay tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, bất động sản, chiếm 54,68 tỷ USD. Các dự án lớn nhất đều thuộc ngành thép, đáng chú ý là khu liên hợp thép của Lion tại Ninh Thuận gần 9,8 tỷ USD, của Formosa tại Hà Tĩnh 7,8 tỷ USD. Ngoài ra, tập đoàn Tata (Ấn Độ) cùng các đối tác Việt Nam cũng đang xúc tiến cho một khu liên hợp thép 5 tỷ USD.
Hiện Malaysia là đối tác có lượng vốn đăng ký lớn nhất vào Việt Nam, với 14,8 tỷ USD. Tiếp sau là Đài Loan và Nhật với lần lượt 8,6 tỷ USD và 7,2 tỷ USD.
Với dự án thép 9,8 tỷ USD, hiện Ninh Thuận là địa phương có lượng vốn đăng ký lớn nhất. Bà Rịa - Vũng Tàu lùi xuống vị trí thứ hai với 9,3 tỷ USD.
Nhiều tỉnh thành khác cũng có lượng vốn đăng ký cao nhờ một loạt dự án quy mô rất lớn như TP HCM với gần 8 tỷ USD từ các dự án bất động sản, Hà Tĩnh với dự thép, Thanh Hóa từ dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn 6,2 tỷ USD.
Ngọc Châu