Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), riêng trong tháng 6, có thêm 163 dự án được cấp mới, với 16,22 tỷ USD, kỷ lục về thu hút vốn FDI trong một tháng. Tính chung, lượng vốn vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 30,94 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ hàng năm.
Lượng vốn đăng ký cấp mới trong 6 tháng đầu năm tăng vọt do có nhiều dự án quy mô lớn được cấp phép, trong đó riêng 19 dự án lớn nhất đã có tổng vốn 28 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý là dự án của Formosa (Đài Loan) với gần 7,9 tỷ USD và dự án liên doanh nhà máy lọc dầu Nghi Sơn của Nhật và Kuwait trị giá 6,2 tỷ USD.
Cũng trong 2 quý đầu năm, các dự án đang hoạt động đăng ký tăng thêm 661,2 triệu USD, đưa tổng lượng vốn trong thời gian này lên 31,6 tỷ USD, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2007, Việt Nam thu hút được 20,3 tỷ USD FDI, mức cao nhất so với các năm trước đó.
Hiện vốn FDI vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào công nghiệp và xây dựng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Vốn FDI của nửa đầu năm nay chủ yếu rơi vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, với 17,15 tỷ USD, tương đương 55,4% tổng vốn. Nguồn vốn đổ vào các lĩnh vực này tăng lên đáng kể so với ngành dịch vụ, do các dự án có số vốn lớn nhất đều là công nghiệp và xây dựng.
Trong 6 tháng đầu năm, lượng vốn đầu tư nước ngoài được giải ngân đạt gần 5 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nhiều dự án FDI cỡ lớn đã động thổ sớm sau khi được cấp phép. Dự án Hồ Tràm, cấp phép tháng 4 vừa qua với 4,2 tỷ USD, mới đây đã triển khai, nhằm xây dựng khu du lịch, khách sạn cao cấp. Dự án sản xuất xe Vespa của tập đoàn Piaggio (45 triệu USD) được cấp phép cuối năm 2007 đến cuối tháng 5 vừa qua đã hoàn thành nhà xưởng.
Đài Loan hiện là nhà đầu tư số một vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, với 8,1 tỷ USD. Hà Tĩnh, nhờ dự án của tập đoàn Formosa với gần 7,9 tỷ USD, trở thành địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong nửa tháng đầu năm. Thanh Hóa và Bà Rịa - Vũng Tàu, với các dự án hóa dầu Nghi Sơn và Hồ Tràm, lần lượt đứng sau.
Theo điều tra hằng năm của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) trên hơn 1.700 doanh nghiệp Nhật đang làm ăn tại châu Á, hiện Việt Nam vẫn được đánh giá cao về triển vọng đầu tư cả trung và dài hạn. Về trung hạn, 92% trong số các doanh nghiệp này dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Trong vòng 5-10 năm tới, các doanh nghiệp của Nhật cho rằng, Việt Nam có thể là địa điểm tốt nhất để rót vốn.
Song cũng theo báo cáo của Jetro, chi phí đầu tư tại Việt Nam đang cao hơn so với các nước lân cận. Chi phí thuê văn phòng ở Hà Nội đang đứng thứ năm ở khu vực châu Á, chỉ sau Mumbai, New Dehli (Ấn Độ), Hong Kong và Singapore. Chi phí vận chuyển đường biển đến và đi từ Đà Nẵng cũng cao nhất khu vực, gấp rưỡi mức trung bình ở các nước châu Á khác. Tiền thuê nhà cho người nước ngoài tại Việt Nam tương đương tại Singapore và gấp đôi so với Seoul.
Ngọc Châu