Ảnh: Hoàng Hà. |
Lúc đó, chị vợ tỉnh bơ ngồi trên võng xem phim Hàn Quốc. Hơi nhăn nhó, anh hỏi: "Con có sao đâu, em nhắn chi gấp vậy?". Vợ anh la lên: "Không nhắn vậy có mà khuya anh mới về. Em biết thời tiết vậy là mấy anh hay tập trung nhậu nhẹt lắm". Quyết nghĩ quay trở lại quán nhậu thì cũng ngán vì cả đoạn đường dài; lỡ về rồi. Ở nhà ăn cơm với vợ mà trong bụng anh cứ thấy hậm hực.
Rất nhiều lần vợ Quyết nhắn tin cho chồng theo kiểu mà anh gọi là "nghệ thuật" như vậy, khiến anh không biết đâu là thật, đâu là giả nên thường bị mắc lừa. Lần nhắn nào cũng nhằm lúc anh đang nhậu, đi câu cá hay đi chơi nhà bạn bè. Một lần đang vui vẻ, cười nói hả hê thì dế lại rung: "Anh à, về tiếp khách mau lên. Cả một nhà khách nè. Toàn khách của anh ở quê vô không à". Nghĩ đến cảnh những người bà con ở quê lặn lội ghé thăm không gặp, anh tất tả chạy xe về. Kết quả, chỉ một thằng cháu họ xa mới ra trường vào nhờ anh xin việc giúp. Lại bực bội nhưng không lẽ cãi nhau khi trong nhà đang có khách?
Cũng vì những tin nhắn "khủng bố" như thế của vợ mà anh Tùng, cũng sống ở Bình Dương, một người có công việc thường xuyên gắn với tiệc tùng, tiếp khách, có một thói quen bất di bất dịch là tắt di động trước khi ngồi vào bàn. Vợ anh cũng thường xuyên gọi điện, nhắn tin kiểm tra chồng đang ở đâu, đi với ai. Chị có một chiêu độc là không chỉ lấy máy mình gọi hay nhắn tin (sợ chồng thấy số quen tắt ngay) mà còn mượn máy của bạn bè, đồng nghiệp.
Thường thì mỗi cuộc nhậu của anh Tùng bị ngắt đến vài ba lần vì những tin nhắn như có việc cần giải quyết gấp, kiểu: "Anh về mà đi họp tổ dân phố, nghe nói đóng tiền làm đường, em không biết". Thế là anh có quy định với vợ: "Trước khi nhậu tui sẽ báo về nhà để khỏi nấu cơm. Còn khi đang nhậu đừng nhắn nhe gì cả vì tui... tắt máy".
Nhưng các bà vợ cũng có khi gặp "tai nạn nghề nghiệp" do những tin nhắn dọa chồng của mình, trong đó có chị Sinh, sống ở TP HCM. Một lần, sau khi tới tấp nhắn tin, gọi điện giục chồng về nhưng anh vẫn không chịu chia tay chiến hữu, chị nhắn chót hàm ý giận dỗi: "Thôi, anh cứ nhậu cho đã đi. Tui về bên nhà mẹ", rồi tắt máy.
Sinh nghĩ rằng khi nhận tin này xong, anh sẽ lật đật chạy về bởi sợ vợ dỗi, làm lớn chuyện. Nhưng hỡi ôi, cả đêm anh không về, điện thoại bàn cũng không thấy đổ chuông. Chị gọi lại thì... ò í e. Lần đó lòng chị như lửa đốt. Thế mà đến sáng ra, anh về nhà tỉnh bơ, sạch sẽ, tươi rói với nụ cười trên môi: "Ủa, em về sớm vậy à?" . "Đi đâu mà về?" - chị tức giận đốp chát. "Thì em nhắn tin là qua nhà mẹ. Anh tưởng thế thật nên nhậu xong ngủ lại nhà thằng bạn cho an toàn. Uống say đi đường cũng nguy, em dặn thế mà".
"Sao không báo cho tui một tiếng? Sao tắt máy?" - chị đã nổi ba máu sáu cơn. Anh vẫn cười cười: " Em biết tính anh ngủ là tắt máy mà. Còn nếu không tin thì gọi thằng Hùng mà hỏi. Nó sẽ khai báo cụ thể cho em. Chà, bạn bè lâu ngày ngủ với nhau tâm sự đủ thứ chuyện, đã thiệt". Đến đây, chị Sinh nhận thấy mình đã bị "đo ván" và tự nhủ từ nay sẽ không nhắn tin kiểu giả vờ hay dọa dẫm nữa.
Thực ra, với đa số phụ nữ, việc nhắn tin "khủng bố" xuất phát từ sự nóng lòng mong chồng về, sợ chồng đi nhậu say trong khi các tai nạn luôn rình rập, hoặc lo chồng có lấy chuyện nhậu ngụy trang để làm chuyện khác. Bởi vậy, để tránh nhận những tin nhắn kiểu đó từ vợ, các đức ông chồng nên "khai báo rõ ràng" về hành tung của mình, báo trước giờ về và cố gắng đúng hẹn. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần biết rõ các thông tin này là người vợ yên tâm, không "quấy rầy" nữa.
Về phía chị em, không nên nói dối là nhà có việc hay con ốm để lôi kéo đức lang quân vì sau vài lần bị lừa như vậy, anh ấy sẽ bực mình và trở nên không tin tưởng vợ ngay cả khi bạn nói thật. Mặt khác, anh ấy có thể lấy cớ đó để lờ đi những tin nhắn giục về sau này của bạn.
Quỳnh Như