Lưu Hà -
- Trong khi các nhà văn nữ thường khai thác mảng đề tài nhẹ nhàng, quen thuộc như: cuộc sống vợ chồng, hôn nhân, ngoại tình, tại sao chị lại dấn thân vào những vấn đề hóc búa như lịch sử, truyền thuyết?
- Chẳng qua vì đó là những đề tài ám ảnh tôi nhiều nhất. Tôi muốn tìm về nguồn cội lịch sử cũng như nhiều mặt khác để lý giải cái nghiệp chướng của người Việt Nam. Điều gì đã chi phối chúng ta? Bi kịch nào? Khát vọng nào? Và chúng ta sẽ đi về đâu?... Có nhiều câu hỏi mà tôi còn phải tìm trong quá khứ cũng như hiện tại.
![]() |
Nhà văn Võ Thị Hảo. Ảnh: blog Võ Thị Hảo. |
- Một Võ Thị Hảo trong văn chương khác với Võ Thị Hảo trong kinh doanh như thế nào?
- Thực ra thì cũng giống nhau thôi. Kinh doanh cũng như viết văn đều giống nhau ở chỗ dám mạo hiểm, dám mơ ước, có khát vọng và có trực cảm tốt. Kinh doanh đúng nghĩa không phải là những kẻ mặt sắt đen sì, nghiến răng kèn kẹt. Người kinh doanh thực ra cũng rất nhiều mơ mộng và phải biết lao động cật lực, phải biết hy sinh. Bill Gates chẳng hạn. Ông ta giàu có thật nhưng nào được hưởng thụ gì đáng kể cho bản thân. Ông ta làm từ thiện rất nhiều sau khi đã thực hiện được khát vọng làm thay đổi bộ mặt thế giới. Tôi tài hèn sức mọn. nhưng trong quan nịêm của tôi, kinh doanh là như thế.
- Chị cũng là một trong số ít những nữ nhà văn thường xuyên xuất hiện với vẻ ngoài lịch sự, sang trọng. Nguyên tắc lựa chọn trang phục của chị là gì?
- Thật là vui khi được nghe lời động viên này. Bề ngoài tôi không trẻ nhưng trong tôi có một cô bé 13 tuổi luôn nhảy nhót. Và, I’m twenty five! Bất kỳ ai cũng có thể mãi ở tuổi 25.
Nguyên tắc lựa chọn trang phục của tôi là: biết rằng mình hợp thứ gì nhất, chẳng hạn tôi rất hợp trang phục lụa tơ tằm. Nhưng không phải vì thế mà không dám mạo hiểm. Màu sắc sinh ra là để cho con người sử dụng. Và tôi thích gì mặc nấy. Tôi từng có thời dám diện một chiếc quần đỏ hoặc váy đỏ với áo đen hoặc áo trắng và đi trên phố, ngang qua những cái nhìn bất mãn. Bởi vì thời đó nhiều người chỉ dùng những màu trung gian cho an toàn. Tôi thì nghĩ rằng không dại gì mà không dám mạo hiểm. Vì trong cuộc sống có rất ít thứ cho phép ta được mạo hiểm như đối với trang phục. Thay một chiếc áo thì rất dễ, và không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Tôi cũng luôn tôn trọng tự do ăn mặc của mọi người. Cả đời tôi chưa bao giờ chê lối ăn mặc, đầu tóc hay cách trang điểm của người khác. Bề ngoài chỉ là bề ngoài mà thôi.
- Khi quyết định chia tay chồng, chị nghĩ thế nào về những khó khăn có thể gặp phải?
![]() |
Ba mẹ con như ba chị em gái. Ảnh: Đẹp. |
- Tôi nghĩ đến chứ. Nhưng tôi biết rằng tôi sẽ vượt qua. Tôi không được khóc. Không được sợ hãi. Không được tiêu xài nỗi buồn. Không bao giờ được tủi thân. Cuộc ly hôn là tất yếu. Nó thực sự bắt đầu từ 9 năm trước đó. Và tôi chấp nhận ở đến 9 năm sau trong tình trạng đã ly hôn vì con đang nhỏ quá. Tôi không ân hận. Tôi mong bố các cháu hạnh phúc với gia đình mới. Và tôi phải vượt qua nhọc nhằn vì con tôi.
- Vậy chị đã vượt qua chúng như thế nào?
- Tôi vốn là một cô bé rất thích được dựa dẫm. Thích mỗi sáng được tỉnh giấc trên một bờ vai độ lượng và mạnh mẽ, hào phóng. Thích có trong tay một người có đủ phẩm chất "bạn đời" để song hành. Tôi sợ điện, kính nể tất cả những cái gì thuộc về máy móc, sợ độ cao, sợ mưa to và bão. Sợ phải nhìn thấy những cái gì không đẹp. Tóm lại là sợ nhiều thứ. Không có đàn ông thì cũng khó khăn đấy. Nhưng không sao. Một cú phôn, và chuẩn bị ít tiền công, là đã có một ông thợ điện nào đó đến nối cầu chì và một ông khác đi sửa máy bơm nước. Còn sợ trộm dọa thì liên hệ với ông thợ khoá... Mưa to thì đóng chặt cửa, trùm chăn đến tai và bật tivi thật lớn tiếng. Thời này rất thuận lợi để sống độc thân vì thế đấy.
- Nhiều người đã dành những lời khen ngợi cho các con của chị. Còn chị, là người mẹ, chị sẽ nói gì về hai cô con gái?
- Uyên Ly thì rất ngố và ít nói, là phóng viên báo Tuổi Trẻ. Khi xung phong sang Libăng viết về chiến tranh thì không nói gì với mẹ, chỉ đưa ra tối hậu thư 5 tiếng đồng hồ trước khi lên máy bay. Uyên Ly thích mọi loài vật. Trong quá khứ còn có chiến tích dám bắt cả rắn nước ngắc ngoải về chơi. Ly thích ngao du và hay làm mẹ bực mình vì ít nói quá và hay bỏ lỡ những thời cơ. Còn Hạnh Ly thì đang học năm thứ 3 Đại học Sân khấu Điện ảnh, hăng hái kiếm tiền bằng việc đi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và dịch sách để tỏ ra ta đây là người độc lập. Mê điện ảnh, cũng thích ngao du và thường hôn vào mõm chó mèo dù mõm chúng... rất nhọ và không lấy gì làm vệ sinh! Hạnh Ly không sợ chuột như nhiều cô gái thành phố, mà sợ nhện và gián. Ở nhà, Uyên Ly được gọi là Cún Lớn. Hạnh Ly được gọi là Cún con. Lúc nào mẹ cao hứng, có thể gọi cả hai là Cún Mốc.
- Trong một gia đình có ba người phụ nữ đều sắc sảo và có học thức, thì "mâu thuẫn" lớn nhất thường xảy ra là gì?
- Có nhẽ đâu thế, mặc dù được động viên thì rất mừng. Mâu thuẫn lớn nhất của ba mẹ con là giờ giấc đi về thất thường của hai cô con gái. Nhà xa. Tim tôi đau vì chờ đợi và lo lắng, nếu các con về muộn. Mặc dù nghề báo là một nghề như vậy. Trước đây, khi còn làm báo Gia Đình Xã Hội, tôi cũng có nhiều đêm đến 3-4h sáng mới về đến nhà và đi một mình... Tôi luôn khấn thầm rằng hãy để tôi gánh mọi sự không may để các con được bình yên.
- Sau những ồn ào của cuộc sống, chị đối diện với những khoảng lặng của mình như thế nào?
- Khoảng lặng thật tuyệt. Đó là giấc ngủ. Sau một ngày làm việc, tôi ngả lưng xuống giường khi đêm đã khuya và trong lòng không quên thốt lên từ "cảm ơn". Cảm ơn là một cảm giác thật tuyệt. Nó an ủi tôi. Cám ơn bóng đêm dịu dàng và tăm tối để ta không thể không nghỉ ngơi. Cám ơn vì ngoài kia, sáng mai thức dậy, hoa vẫn nở ngoài cửa sổ. Tạ ơn vì đã có nhiều người tốt với ta và chia sẻ. Cảm ơn cả những người đã tệ với ta để ta cố gắng lớn lên và học những bài học cuộc đời. Tôi thường mỉm cười trước lúc ngủ thiếp đi. Đơn giản chỉ vì đi ngủ trong nhăn nhó thì sẽ chóng già. Mà tôi thì thích trẻ lâu.
- Trước hạnh phúc của các con, chị cảm thấy sao khi nghĩ tới tương lai của mình?
- Tôi không nghĩ nhiều. Biết rồi sẽ có ngày các con đi lấy chồng. Đó là lẽ đương nhiên. Tôi đã có công việc và văn chương để ẩn náu. Hiện nay tôi cũng như đang sống trong ốc đảo, ít giao du với bên ngoài, ngoài những công việc. Thỉnh thoảng có bạn bè giục tôi nên đi lấy chồng, tôi thường nói: yên tâm, tôi thích chết khi 60 tuổi. Rất đẹp. Nhưng nếu đến 60 tuổi mà chưa chết, tôi sẽ tự đến trước một ai đó, nhìn lâu lâu vào mắt anh ta và nói : "Này anh ấy kia ơi! Tôi nghĩ rằng nửa cuối cuộc đời của chúng ta là để dành cho nhau". Biết đâu lại thế.
Lưu Hà thực hiện