Anh Vân -
Từ năm 1980 đến năm 2006, nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cùng các cộng sự đã đi đến nhiều tỉnh ở vùng Nam Bộ để tìm hiểu về dân ca. Đôi vợ chồng nghệ sĩ đưa ra công trình sưu khảo đầu tiên về loại hình âm nhạc dân gian Nam Bộ là cuốn Dân ca Bến Tre xuất bản năm 1981.
Nhà thơ Lê Giang với đồng bào dân tộc ở tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. |
Sau khi sưu tầm, chọn lọc làn điệu dân ca, điệu lý, điệu hò, lời hát ru... nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - nhà thơ Lê Giang và các cộng sự dày công biên soạn thành các cuốn sách có giá trị như Dân ca Bến Tre; Dân ca Kiên Giang; Dân ca Cửu Long, Sông Bé, Hậu Giang; Dân ca Đồng Tháp; Dân ca và thơ ca dân gian Bình Dương; Dân ca Long An; Dân ca Trà Vinh. Bên cạnh đó là những công trình sưu khảo như Hò trong dân ca người Việt; Hát ru Việt Nam; Lý trong dân ca người Việt; 250 điệu Lý quê hương; 300 điệu Lý Nam bộ; Bản thảo Nói thơ, nói vè và thơ rơi Nam Bộ; Dân ca người Việt ở Nam Bộ...
Riêng nhà thơ Lê Giang còn là tác giả của các tác phẩm như Bản thảo Lấp lánh cát vàng, Lang thang gió cát, Bộ hành với ca dao.
Không chỉ tổ chức những chuyến đi điền dã để sưu tầm, nghiên cứu và biên khảo, hai ông bà còn nỗ lực giới thiệu làn điệu tiêu biểu của từng địa phương cũng như phổ biến dân ca đến đông đảo người nghe. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - nhà thơ Lê Giang đã dựa trên điệu hát, làn điệu truyền thống để biên soạn, đặt thêm lời mới phù hợp với người nghe hôm nay. Đó là các bài như Ra giêng anh cưới em (Hò cống chùa), Tâm tình cô thợ dệt (Lý ba xa kéo chỉ), Hành trình lý ngựa ô (Lý ngựa ô Giồng Riềng), Tuy cực mà vui (Hò thẻ mực), Kiên Giang mình đẹp lắm (Lý chèo đưa cá ông), Thiết tha miền Hậu Giang (Lý gọng kiềng), Mùa xuân dâng lộc (ca bóng rỗi), Vợ chồng làm biếng (Lý cây khế, Lý kêu đò), Về Sông Bé quê em (Lý trèo đèo), Bài ca đất phương Nam...
Trung tâm sách kỷ lục Vietnam Vietkings sẽ trao danh hiệu kỷ lục gia cho đôi vợ chồng nghệ sĩ này tại Công viên văn hóa Đầm Sen, TP HCM vào ngày 4/1, trong ngày Hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 15.