Sau phiên cuối tuần 13/12, chỉ số chính của HOSE đóng cửa tại 299,54 điểm, thấp hơn tuần trước 0,14 điểm, tương ứng 0,046% - gần như không đổi. Dù sao, đây vẫn là tuần đi xuống thứ 5 liên tiếp của Vn-Index. Lượng trao tay trung bình phiên đạt 9,1 triệu cổ phiếu, giá trị 209,58 tỷ đồng. So với tuần trước, khối lượng và giá trị giao dịch tăng lần lượt 17,8% và 9,2%.
Nếu chỉ nhìn những con số thống kê kể trên, sẽ khó có thể mường tượng được những khó khăn mà thị trường gặp phải trong tuần qua. Nếu không có phiên tăng cuối tuần và xu hướng giao dịch nhỏ giọt những ngày trước vẫn tiếp tục, Vn-Index sẽ đứng sát mức đáy mới 286,85 điểm, còn lượng giao dịch trung bình phiên sẽ rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6.
Bốn lần đường giá (màu đen) cắt đường MA10 (màu đỏ) trong 6 tháng gần đây đều báo hiệu cho một xu hướng lên kéo dài từ một tuần cho tới gần một tháng. Chỉ cần phiên đầu tuần sau đi lên, chỉ báo giữa MA10 và Vn-Index (vùng khoanh tròn) sẽ cho dấu hiệu mua. |
Thế nên ngày lên điểm cuối tuần không chỉ giúp thị trường gỡ lại gần như toàn bộ số điểm đã mất sau 4 phiên trước mà còn cải thiện đáng kể tính thanh khoản khi khối lượng giao dịch đạt cao nhất trong khoảng 2 tuần trở lại đây. Khối lượng giao dịch trung bình tuần từ đó cũng lần đầu tiên tăng sau 4 tuần liên tiếp đi xuống.
Nhờ đó, về mặt kỹ thuật, Vn-Index đã được kéo sát giá trị của đường trung bình trượt chu kỳ 10 ngày (MA10). Trước đó, trong cả 4 lần chỉ số này cắt đường trung bình trượt theo xu hướng từ dưới lên, Vn-Index đều tạo lập được xu hướng lên kéo dài ít nhất từ một tuần đến một tháng.
Bên cạnh các yêu tố cơ bản về vĩ mô, vốn không có nhiều biến động trong tuần qua, phiên lên điểm vào thứ 6 càng đáng chú ý hơn khi cùng ngày các chỉ số chính của thị trường thế giới đều sụt điểm. Sự lạc nhịp này cho thấy tâm lý nhà đầu tư trong nước đã vững vàng hơn trước tin xấu từ thị trường quốc tế cũng như sức mua phiên vừa qua, có lượng đặt mua cao hơn phiên liền kề tới hơn 62%, là rất đáng kể.
Tuy nhiên, ngay cả khi tín hiệu kỹ thuật báo hiệu xu hướng lên ngắn hạn được hình thành, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và chú ý tới biến động của khối lượng giao dịch. Xu hướng lên sẽ khó bền vững nếu khối lượng giao dịch không hồi phục.
Bên cạnh đó, các chỉ báo kỹ thuật chỉ có mức độ chính xác tương đối và giai đoạn lên điểm sau khi dấu hiệu mua được hình thành đôi khi rất ngắn, nên việc mua nếu chỉ căn cứ vào một chỉ báo là rất rủi ro. Thông thường nhà đầu tư nên kết hợp nhiều chỉ báo kỹ thuật cả về giá lẫn khối lượng để đưa ra quyết định của mình.
Trong tuần qua, nhà đầu tư ngoại mua vào 6,2 triệu chứng khoán và bán ra 7,02 triệu. Như vậy, khoảng cách giữa lượng mua vào và bán ra của khối ngoại đã được thu hẹp đáng kể so với tuần trước (mua 4,2 triệu và bán 9 triệu chứng khoán). Đây có thể coi là tín hiệu hứa hẹn chuyển biến tích cực trong giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Nhóm 5 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất tuần qua gồm:
Mã chứng khoán |
Số phiên giao dịch |
KLGD (cổ phiếu) |
Bình quân |
Gía trị giao dịch (triệu đồng) |
STB |
5 |
9.916.350 |
1.983.270 |
182.031 |
SSI |
5 |
2.871.920 |
574.384 |
76.003 |
REE |
5 |
2.294.650 |
458.930 |
50.518 |
DPM |
5 |
1.933.240 |
386.648 |
62.480 |
PVF |
5 |
1.607.370 |
321.474 |
25.203 |
Tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, HaSTC-Index khép lại tuần qua tại giá trị 105,9 điểm, tăng 2,2% tương đương 2,36 điểm. Tổng lượng khớp lệnh toàn sàn đạt 31,78 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 746,1 tỷ đồng.
Xuân Hòa