Chứng khoán tuần từ 24 đến 28/5 có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. VN-Index kết thúc tuần rồi ở mức đỉnh mới, trên 1.320 điểm, tăng hơn 35 điểm (2,8%) so với tuần trước đó.
Trong tuần tăng mạnh này, thị trường ghi nhận 11/19 ngành tăng điểm và 218 cổ phiếu tăng so với 159 cổ phiếu giảm trên HoSE. Nhóm cổ phiếu dẫn dắt có sự phân hóa, với ngân hàng và dịch vụ tài chính tăng tích cực nhất, đóng góp chủ yếu cho mức tăng của VN-Index. Một điểm tích cực là khối ngoại đã giảm đáng kể giá trị bán ròng, với quy mô chỉ còn hơn 270 tỷ đồng trên HoSE.
Theo Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), thị trường đang ở vùng đỉnh và đã xuất hiện những tín hiệu quá mua. Dù vậy, lực cầu tương đối khả quan cho thấy thị trường khó điều chỉnh sâu hơn ngưỡng 1.300 điểm. Theo đó, BSC dự báo VN-Index có thể giao dịch trong khoảng 1.300 đến 1.350 điểm tuần này.
Tương tự, MBS cho rằng, với những phiên khớp lệnh tỷ USD như hiện nay, nhịp tăng của thị trường hoàn toàn có thể mở rộng lên các ngưỡng cao mới.
Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng đưa ra những dự báo tích cực về triển vọng trong ngắn hạn. "Với việc lấy lại xung lực tăng điểm, chỉ số vẫn có cơ hội mở rộng thêm đà tăng trong những phiên tới", báo cáo của KBSV viết.
Mặc dù khó tránh khỏi áp lực rung lắc sau nhịp tăng mạnh, nhưng nhóm phân tích cho rằng rủi ro điều chỉnh mạnh chỉ trở nên hiện hữu nếu xuất hiện các phiên phân phối lớn hoặc tăng điểm nhưng đi kèm sự sụt giảm của khối lượng giao dịch. KB khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên tập trung cho các vị thế ngắn hạn, có thể chốt lời một phần đối với các mã tăng vượt đỉnh đạt kỳ vọng và mua trading trở lại khi điều chỉnh về lại hỗ trợ.
Điểm cần lưu ý, theo nhóm phân tích từ BSC là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay và các số liệu vĩ mô từ các nền kinh tế lớn dự kiến được công bố trong tuần.
Riêng với vấn đề lãi suất, BSC đánh giá, biến động lãi suất tăng ở một số ngân hàng có thể chỉ mang tính cục bộ, chưa biểu thị cho một xu hướng tăng của toàn thị trường. Mặt bằng lãi suất sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong ngắn hạn do dịch bệnh làm giảm cầu tín dụng. Khi cầu tín dụng tăng mạnh trở lại, cùng với áp lực lạm phát, lãi suất huy động có thể sẽ nhích lên trong nửa cuối năm nay.
Minh Sơn