Đợt xả hàng bắt đầu ở ngay phiên đầu tuần, song chỉ số vẫn tiến hơn 18 điểm và chốt phiên tại 658,29. Khối lượng giao dịch vọt lên tới hơn 25 triệu đơn vị qua khớp lệnh, nhờ nhà đầu tư nhỏ lẻ "ôm" hàng sau 2 phiên không khớp được lệnh, khối ngoại tăng mua và "bàn tay" của SCIC.
Song phiên tiếp theo Vn-Index sụt một mạch 19,59 điểm qua 3 đợt, mà không có lấy một dấu hiệu đảo chiều. Một phần lớn hàng trong phiên này xuất phát từ lượng cổ phiếu cầm cố đến hạn, buộc nhà đầu tư phải đẩy đi.
Hai phiên tiếp theo, Vn-Index lần lượt nhích lên 5,19 và 3,7 điểm. Sự giằng co trong những phiên này diễn ra quyết liệt, khi có lúc Vn-Index liên tục trồi sụt và giành giật lại từng nửa điểm. Hai phiên này đã giúp chỉ số tiến xa khỏi ngưỡng tâm lý 600 điểm, lên mức 647,6.
Qua một tuần, Vn-Index nhích được 3,66 điểm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, phiên cuối tuần lại chứng kiến sự sụt giảm, khi Vn-Index để mất 3,8 điểm, tương đương số điểm chỉ số đã có được ở phiên hôm trước và chốt lại ở 643,8. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index nhích lên 3,66 điểm (0,56%) so với tuần trước. Trung bình mỗi phiên có 14,29 triệu đơn vị được mua đi bán lại, với giá trị trung bình 852,7 tỷ đồng.
Các blue-chip đã giữ được đà tăng điểm trong phần lớn các phiên và là nhân tố làm nên xu hướng thị trường, đặc biệt với DMP, DHG, SSI, STB. Đây cũng là những mã có khối lượng giao dịch lớn nhất trong các phiên.
Cũng trong tuần, cùng lúc thông tin Merrill Lynch chọn SSI để đưa vào ML Frontier Index và tin đồn về việc ông Nguyễn Duy Hưng, CEO SSI, bị bắt, truyền đi. Ngay sau 2 luồng thông tin này, SSI được các nhà đầu tư nước ngoài gom vào với khối lượng lớn và SSI tăng trần trong phiên 13/3. Hiện SSI là doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn thứ 11 trên thị trường.
Hiện nhiều người vẫn cho rằng, Vn-Index trụ được những phiên gần đây là nhờ SCIC "đỡ" ở những mã chủ chốt và do nhà đầu tư nước ngoài đang gom vào mạnh.
Một nhà đầu tư trên sàn FPTS cho hay, trong thời gian này, anh chỉ tập trung giao dịch ở những mã chủ chốt, vì biết chắc những cổ phiếu này được "bảo lãnh".
Từ chỗ kỳ vọng SCIC sẽ có thể nâng Vn-Index đi lên mạnh mẽ, giới đầu tư đã hiểu rằng SCIC chỉ tham gia giữ cho thị trường không giảm quá sâu, chứ cũng không để thị trường tăng nóng. Cầu trên thị trường cũng sẽ không tăng cao. Vì thế, một số người tranh thủ bán ra trong những phiên gần đây, khiến Vn-Index liên tục lên xuống.
Trong báo cáo Vietnam Monitor dành cho các khách hàng, HSBC mới đây cho rằng, viễn cảnh kinh tế Việt Nam cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp rất tốt. Trong bối cảnh các chính sách thắt chặt tiền tệ có thể tiếp tục được thực thi trong một vài tháng tới, HSBC khuyến nghị nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn mua vào cổ phiếu ở mức điểm hiện nay của Vn-Index. Tuy nhiên, thông tin này cũng không hỗ trợ nhiều cho thị trường, bởi đến nay nhà đầu tư không còn dựa nhiều vào các bản báo cáo như trước.
Trong các phiên gần đây, bảng điện tử không còn cảnh toàn màu xanh hay đỏ rực, mà đã có nhiều màu xen kẽ, bởi nhà đầu tư đã có sự phân hóa, chọn lọc các cổ phiếu trước khi quyết định giao dịch.
Theo ông Vũ Hoài Chang, Trưởng phòng phân tích đầu tư của SMES, nhà đầu tư hiện vẫn quan tâm nhiều đến những diễn biến kinh tế vĩ mô. "Nếu lạm phát quý đầu năm được kìm lại, nhà đầu tư sẽ lạc quan hơn", ông Chang nhận định.
Chừng nào chưa có thông tin tích cực về kinh tế, tình hình thị trường sẽ chưa có những chuyển biến vững chắc. Cũng theo Trưởng phòng phân tích đầu tư SMES, Vn-Index sẽ tiếp tục tình thế giằng co trong tuần tới, với những phiên tăng và giảm điểm xen kẽ.
Ngọc Châu