Việt Nam đạt 42,9 điểm trên thang điểm 100, xếp thứ 37 trên tổng số 40 nước, đứng sau các quốc gia khác trong khu vực như Philippines xếp thứ 16, Malaysia thứ 20, Campuchia thứ 23, Indonesia ở vị trí 32, Trung Quốc thứ 36, theo báo cáo "Out of the shadows: Shining light on the response to child sexual abuse" (Ra khỏi vùng tối: Phản ứng đối với xâm hại tình dục trẻ em) do Economist Intelligence Unite công bố hôm 16/1.
Báo cáo được thực hiện dựa trên 4 tiêu chí: môi trường mà việc xâm hại xảy ra cũng như được biết đến, mức độ bảo vệ của khung pháp lý đối phó với vấn đề, cam kết và khả năng của chính phủ trong việc trang bị cho các tổ chức và cá nhân chống nạn xâm hại, và sự tham gia của các ngành nghề, xã hội dân sự, truyền thông.
Việt Nam đạt 59 điểm trong mục môi trường, hành lang pháp lý đạt 56, cam kết và khả năng của chính phủ đạt 38 điểm trong khi sự tham gia của các ngành nghề, xã hội dân sự và truyền thông đạt 17 điểm. EIU đánh giá Việt Nam 0 điểm trong việc thu thập thông tin về nạn xâm hại trẻ em, không có cơ quan riêng để thi hành luật lệ về chống xâm hại, chương trình hỗ trợ dành cho đối tượng xâm hại, sự tham gia của giới truyền thông.
"Việt Nam không có một hệ thống mạnh mẽ để thu thập thông tin trên diện rộng về xâm hại tình dục trẻ em. Các số liệu được công bố thường không chi tiết", báo cáo viết.
Không chỉ Việt Nam, việc thu thập thông tin trên diện rộng các vụ xâm hại cũng là vấn đề ở nhiều quốc gia khác. Chỉ 20 trong số 40 quốc gia có thu thập thông tin trên phạm vi toàn quốc về nạn xâm hại tình dục trẻ em. Chỉ 5 quốc gia có dữ liệu về các vụ xâm hại qua mạng.
Tương tự, 36/40 nước không có các dịch vụ công để giáo dục, hỗ trợ tâm lý và trị liệu nhằm ngăn ngừa những người tiềm ẩn nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em và 26/40 nước không có các chương trình ngăn chặn người từng phạm tội tái phạm.
An Hồng