Một trung tâm nghiên cứu vũ trụ có quy mô vừa tại bang Mississippi, Mỹ. Ảnh: Destination 360. |
Trung tâm sẽ được xây dựng trên diện tích 9 ha tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc và triển khai trong giai đoạn 2010 - 2017. Tổng số tiền của dự án là 350 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản, với 14 khu chức năng như trung tâm chế tạo, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh, khu vực thử nghiệm từ trường, trung tâm điều khiển và ứng dụng vệ tinh và nhà mô hình đài thiên văn. Báo cáo khả thi của dự án sẽ hoàn thành cuối năm 2008 để trình chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
Hiện những công việc cần thiết cho việc xây dựng trung tâm đã hoàn tất để đến năm 2017 hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Từ đó đội ngũ chuyên gia Việt Nam có thể làm chủ công nghệ và tự chế tạo vệ tinh nhỏ dưới 500 kg dùng để quan sát trái đất tại trung tâm. Đây sẽ là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam và có quy mô hàng đầu trong khu vực, nhằm thực hiện có hiệu quả "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020" theo quyết định của thủ tướng.
Công nghệ vũ trụ là lĩnh vực công nghệ cao được hình thành nhờ tích hợp nhiều ngành công nghệ khác nhau nhằm tạo ra các phương tiện như vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa, trạm mặt đất... nhằm khám phá, chinh phục và sử dụng khoảng không vũ trụ phục vụ lợi ích của con người. Do vậy đầu tư xây dựng trung tâm này tại Việt Nam là cần thiết, có thể phục vụ lợi ích trước mắt cũng như lâu dài.
Ngoài việc tự chế tạo vệ tinh nhỏ có khả năng chụp ảnh toàn lãnh thổ Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ ra đa và quang học, trung tâm sẽ giúp xây dựng và xử lý các dữ liệu viễn thám từ vệ tinh giúp giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, thảm hoạ môi trường, dự báo sản lượng nông nghiệp và nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quy hoạch đất đai và xây dựng các hệ thống dẫn đường và đào tạo từ xa.
(Theo TTXVN)