![]() |
Phillip Nguyễn Việt kiều Australia mua hàng tại chợ Bến Thành. (Tuổi Trẻ) |
Chị Rosie Trần Thanh Huyền, Việt kiều Mỹ, nhận xét: “Tiểu thương các chợ An Đông, Bến Thành (TP HCM) bây giờ rất rành, dù giá có hơi đắt nhưng đổi lại họ tư vấn cho khách mua loại hàng nào thì đi “lọt”, hàng nào không bị hải quan VN hay các nước ách lại”.
Chị Huyền kể người bán mách rằng muốn mang khô bò và mắm lóc vào Mỹ thì phải độn khô vào trong giấy kiếng bạc, bên ngoài trưng ra nhãn hàng mực khô; còn mắm lóc thì gói kín trong nilông, bỏ vào lọ và đóng kín lại bằng hai lớp nilông nữa sẽ mất mùi.
Một tiểu thương ở chợ Bến Thành nói rằng người bán phải trong vai của người đi mua hàng, thậm chí “đi chợ” luôn cho Việt kiều. Chuyện tư vấn rất quan trọng vì không ít Việt kiều đã không mang được quà về tới nhà.
Ông Huỳnh Văn Nam mang về Mỹ bốn quả lồng mứt tròn căng như cái chén làm quà đặc sản. Vừa tới sân bay bên đó thì trái cây mụn nước và bị hải quan phát hiện, thu hủy tại chỗ. “Cũng may mình già cả, lơ ngơ nên nó cho qua chứ không là mất toi vài trăm đô tiền phạt”, ông Nam nói.
Không chỉ tư vấn, tiểu thương còn làm luôn cả dịch vụ đóng quà cho Việt kiều. Để làm được việc này đòi hỏi người bán am hiểu các quy định về hải quan.
Lúc này tiểu thương các chợ lớn của thành phố không chỉ tập trung bán bánh, mứt, đồ khô mà còn chuẩn bị lượng hàng phục vụ Việt kiều sau tết. Anh Tommy Nguyễn nói thật sự bất ngờ vì những người bán hàng ở đường Lê Lợi, chợ Bến Thành còn rành hơn cả người mua về thủ tục hải quan. Không chỉ hàng thực phẩm, bánh, mứt hay đồ thủ công mỹ nghệ được Việt kiều ưa chuộng mà ngay cả quần áo may sẵn, tranh thêu... cũng được nhiều người bán tiếp thị cho Việt kiều.
Những phiền toái
Theo ông Nguyễn Chơn Trung - Chủ nhiệm Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP HCM, khoảng 100.000 người về trong dịp cuối năm, mỗi người mua chừng 300 -500 USD thì con số này lên tới vài chục triệu USD. Do vậy, các doanh nghiệp, tiểu thương cũng cần có sự chuẩn bị để đón lấy cơ hội kinh doanh tốt trong dịp đầu năm mới này.
Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM vừa phát tặng 50.000 cuốn Cẩm nang mua sắm dành cho Việt kiều cung cấp địa chỉ mua sắm, ẩm thực, cà phê, nha khoa, thẩm mỹ, y tế, du lịch xanh... để giúp những người ít khi về quê khỏi bỡ ngỡ. |
Ông Trần Việt Thắng - Chi cục phó Hải quan Tân Sơn Nhất - cho rằng thủ tục xuất đi rất đơn giản, chủ yếu kiểm tra an ninh để đảm bảo an toàn chuyến bay. Trừ các mặt hàng cấm xuất hoặc xuất có điều kiện, còn lại thì Nhà nước khuyến khích xuất và miễn thuế. "Bà con khi trở ra cần lưu ý: mỗi nước có quy định khác nhau nên phải tìm hiểu kỹ để tránh hậu quả đáng tiếc. Đưa hàng vào Australia dễ thở hơn, với Mỹ thì căng lắm, nhất là hàng thực phẩm, tân dược khó qua được hải quan. Không nên mang một mặt hàng về bên đó làm quà với số lượng lớn sẽ bị “vướng” vào quota, thuế “chống phá giá” hoặc bị xử phạt oan uổng”.
Theo ông Hồ Quang Minh, Việt kiều Thụy Sĩ, tâm lý bà con Việt kiều khi trở về nước đều muốn mang nhiều món đặc sản coi như “của một đồng công một nén”. Tuy nhiên, không ít trường hợp bị gây khó dễ vì không nắm hết quy định. Mỹ rất “kỵ” những sản phẩm nông nghiệp, nhất là hàng tươi sống như trái cây vì sợ gây ảnh hưởng hay làm biến đổi gen của họ...
Đặc biệt, món thịt bò thì Mỹ cấm tiệt vì họ sợ “dính” thịt bò điên. Các nước châu Âu dễ dãi hơn đối với hàng thực phẩm, nhưng riêng hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ phải hết sức cẩn trọng. Ngay tại các cửa khẩu sân bay ở Pháp họ có những chuyên gia thẩm định, phát hiện và xử lý tiêu hủy ngay các loại hàng nhái, hàng giả.
Chị Đỗ Thị Thu Thủy - giám đốc Trung tâm Bến Thành Đông (Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Bến Thành), cho biết hàng “made in Vietnam” được Việt kiều chuộng hơn vì họ cho rằng mua hàng hiệu dễ bị giả, dễ bị ách lại ở các cửa khẩu. Nhưng phiền toái nhất là mua hàng mỹ nghệ bị nghi vấn là đồ cổ khi xuất qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất.
Trên thực tế có những món hàng giả cổ còn đẹp hơn cả hàng thật, nên khi cán bộ hải quan thấy nghi vấn là yêu cầu kiểm tra, giám định. Mà muốn có kết quả giám định cũng không dễ, đến nước này coi như “của phải ở lại thay người”. Theo ông Phạm Văn Tiến - đội trưởng đội giám sát Hải quan Tân Sơn Nhất, muốn mang đồ giả cổ ra nước ngoài dễ dàng thì chủ hàng nên chủ động đưa đi giám định trước để có giấy chứng nhận đó là hàng không bị cấm xuất nhằm tránh phiền phức và thiệt hại đáng tiếc.
(Theo Tuổi Trẻ)