Ngày 9/3, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Ngoại tiết Niệu - Nam học, Bệnh viện E, cho biết bệnh nhân bị sỏi thận lâu năm nhưng không điều trị, tự uống thuốc nam khiến sỏi ngày càng to. Cuối tháng 2, bệnh nhân đau nhiều, sốt, ớn lạnh, sờ lưng thấy u cục mới đến bệnh viện huyện khám, được chẩn đoán suy thận, chuyển tuyến.
Kết quả trên phim chụp tại Bệnh viện E cho thấy viên sỏi lớn chiếm gần hết thận, gây suy cơ quan này. "Nếu tán sỏi qua da thì phải thực hiện ít nhất 10 lần, mất nhiều thời gian", ông Liên nói.
Sau hội chẩn, bác sĩ quyết định mổ mở, bóc tách ra viên sỏi san hô dài 20 cm, nặng nửa kg, hiếm gặp. Theo bác sĩ, bệnh nhân may mắn vì chức năng thận vẫn hoạt động, không phải chạy thận chu kỳ.
Sau 10 ngày điều trị theo dõi, bà đã hồi phục và ra viện.
Bác sĩ cho biết có rất nhiều nguyên nhân gây sỏi thận như dị dạng đường tiết niệu, rối loạn chuyển hóa gây tăng canxi máu, thay đổi pH nước tiểu, cường tuyến cận giáp. Các yếu tố như cơ địa, tiền sử gia đình, chuyển hóa, môi trường lao động, nhiễm trùng cũng gây sỏi thận.
Ngoài ra, chế độ ăn quá mặn, lười uống nước, lười vận động gây ra ứ đọng nước tiểu là những yếu tố tăng nguy cơ bị bệnh. Bệnh thường gặp ở người trẻ trong độ tuổi từ 30 đến 60.
Triệu chứng điển hình của sỏi thận là đau vùng hông lưng. Khi sỏi di chuyển xuống niệu quản sẽ gây cơn đau quặn thắt, đau đột ngột lan ra sau lưng và lan xuống vùng hông, tiểu lắt nhắt khó chịu. Nếu không điều trị, sỏi san hô sẽ làm suy giảm chức năng thận do bộ phận này bị ứ nước, nhiễm trùng.
Khi có dấu hiệu sỏi thận, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám, đánh giá kích thước, số lượng, vị trí của sỏi, từ đó có hướng điều trị phù hợp. Đối với những viên sỏi kích thước lớn, bác sĩ phải có biện pháp can thiệp như tán sỏi, phẫu thuật.
Sau mổ, người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh, uống trên hai lít nước một ngày và đi khám định kỳ.
Minh An