Trả lời:
Viêm khớp dạng thấp vị thành niên là một bệnh mãn tính, gây xảy ra ở trẻ 16 tuổi trở xuống. Các triệu chứng bệnh thường giảm dần sau nhiều tháng hoặc nhiều năm rồi khỏi, nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm mắt (dẫn đến đục thủy tinh thể, glaucoma), giảm tăng trưởng. Các thể bệnh chính:
- Viêm ít khớp: Chỉ tối đa 4 khớp bị tổn thương, chủ yếu là các khớp lớn như khớp gối. Trẻ em bị thể bệnh này có khi bị viêm cả mắt.
- Viêm đa khớp: Nhiều khớp bị tổn thương (cả những khớp nhỏ). Khớp ở bàn tay và bàn chân là dễ bị viêm nhất.
- Viêm khớp hệ thống: Gây tổn thương ở nhiều vùng cơ thể, kể cả khớp và cơ quan nội tạng. Ngoài chứng sưng đau khớp, bệnh nhân bị sốt và nổi ban đỏ.
Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở trẻ em:
- Khớp sưng kèm đau và cứng, nhất là vào buổi sáng hoặc sau giấc ngủ trưa. Bệnh ảnh hưởng nhiều nhất đến khớp gối, các khớp bàn tay và bàn chân.
- Sốt và phát ban: Có thể xuất hiện và mất đi rất nhanh.
- Sưng hạch bạch huyết: Chủ yếu xảy ra ở trẻ bị viêm đa khớp và viêm khớp hệ thống.
Cần đưa trẻ đến bác sĩ khi có dấu hiệu sưng khớp, khó vận động khớp hoặc đi cà nhắc mà không rõ nguyên nhân, hoặc sốt cao hơn 2-3 ngày. Nếu đã được chẩn đoán là viêm khớp dạng thấp, trẻ cần được bác sĩ theo dõi và điều trị. Trẻ bị viêm đa khớp và viêm khớp hệ thống cần được kiểm tra xem có bị viêm mắt không (6 tháng/lần). Trẻ bị viêm ít khớp cần khám mắt 3 tháng/lần.
Việc điều trị có mục đích duy trì sự bình thường về hoạt động thể chất và xã hội, giảm đau, giảm sưng và phòng ngừa biến chứng. Một số trẻ chỉ cần dùng thuốc giảm đau là đủ, nhưng nhiều trẻ khác lại cần dùng các thuốc hạn chế sự tiến triển của bệnh. Đó là các thuốc chống viêm không steroid (aspirin, ibuprofen...), thuốc chống bệnh thấp (như methotrexate), corticosteroid.
Ngoài ra, nên áp dụng vận động liệu pháp để duy trì sức mạnh của cơ và hoạt động của khớp (bơi là cách tốt nhất) vật lý liệu pháp (chườm nóng, tắm nóng...). Đồng thời, trẻ cần được hỗ trợ về tâm lý (động viên, khích lệ trẻ vận động) và có chế độ dinh dưỡng thích hợp.
BS Đào Xuân Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống