Trả lời:
"Viêm đường tiết niệu" là một bệnh rất dễ tái phát, nhất là ở nữ vì có những ổ nhiễm khuẩn cận kề đường niệu (trực tràng, hậu môn và đường sinh dục nữ). Vì không nắm được nguyên nhân, cơ chế của viêm đường tiết niệu nên khi thấy bệnh dai dẳng, ta thường gọi đó là "yếu thận". Trường hợp của bạn cũng vậy.
Viêm đường tiết niệu trên (từ niệu quản lên thận) thường dẫn tới "viêm thận - bể thận" mạn tính, lâu ngày gây biến chứng teo thận, tăng huyết áp; chức năng thận suy thoái dần, dẫn tới "suy thận giai đoạn cuối".
Viêm đường tiết niệu dưới (từ bàng quang xuống niệu đạo) thường là viêm bàng quang. Nếu trong bàng quang có sỏi, túi thừa hoặc u thì bệnh rất nặng và dai dẳng, nhất là khi không giải quyết được nguyên nhân. Trường hợp viêm niệu đạo hay gặp nhất là do cầu trùng lậu; triệu chứng điển hình là có vài giọt mủ rỉ ra đầu miệng sáo khi ngủ dậy và lúc đái thì buốt rát như lưỡi dao cứa vào!
Trong điều trị, điều quan trọng đầu tiên là phải uống nhiều nước (mỗi ngày 1,2-1,5 lít); tốt nhất là uống nước mát, uống vào buổi sáng để tránh ra mồ hôi. Cần giữ vệ sinh vùng hậu môn, âm hộ, âm đạo. Việc dùng kháng sinh phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.
"Yếu thận" hay đúng hơn là thận "kém chức năng" không dẫn đến stress. Tuy nhiên, do bệnh dai dẳng, khó khỏi và gây nhiều biến chứng nên cơ thể dần suy nhược, thần kinh cũng suy nhược theo.
Khi cả hai thận (hoặc một thận đơn độc) bị suy ở giai đoạn cuối (nghĩa là thận không còn chức năng nữa) thì phải lọc máu chu kỳ (chạy thận nhân tạo) hoặc ghép thận. Bạn nên đến khoa thận - tiết niệu của bệnh viện để được chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị triệt để.
GS Lê Sĩ Toàn, Sức Khỏe & Đời Sống