Báo cáo tại đại hội tổ chức sáng ngày 24/3, Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ cho biết, năm 2020 là một năm với những biến động đặc biệt mà nổi bật là sự bùng phát của Covid-19 trên toàn cầu, dẫn đến tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên nhờ những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và ứng phó kịp thời để kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực, với GDP 2,9%, thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao trong năm 2020. Ngành ngân hàng vẫn đạt được mức tăng trưởng tốt và thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Năm 2020 cũng là năm thứ 4 trong hành trình 10 năm chuyển đổi chiến lược của VIB 2017-2026. Với nền tảng sẵn có, ngân hàng này tiếp tục hoàn thiện mô hình vận hành xuất sắc, tiếp tục tiên phong trong việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện mô hình quản trị vững mạnh và triển khai kinh doanh một cách kỷ luật và sáng tạo, nhờ đó chúng ta tiếp tục đạt được những kết quả kinh doanh vượt trội.
Cụ thể trong năm qua, tổng tài sản của VIB tăng trưởng 32,6% so với đầu năm, đạt 245.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 42,2% so với năm 2019, đạt 5.803 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn bình quân đạt 30% đã giúp nhà băng này tiếp tục giữ vững vị trí trong nhóm cao nhất toàn ngành về hiệu quả kinh doanh, trong bối cảnh nợ xấu tiếp tục giảm xuống dưới 1,5%.
VIB ghi dấu ấn trên thị trường là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng dư nợ bán lẻ bình quân hàng năm trong 4 năm qua trên 50%, thuộc top đầu ngành với chất lượng tài sản tốt. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ của ngân hàng đạt 84% tổng dư nợ tín dụng, trong đó trên 95% dư nợ bán lẻ có tài sản đảm bảo.
Năm qua, các sản phẩm dịch vụ bán lẻ cốt lõi và chủ lực của VIB tiếp tục dẫn đầu thị trường về quy mô, chất lượng và tốc độ tăng trưởng. Một số mảng kinh doanh liên tục giữ vị trí số một về thị phần tại Việt Nam, các sản phẩm dịch vụ hàm lượng công nghệ cao cũng được ngân hàng đặc biêt chú trọng đầu tư và phát triển.
Những bước đi tiên phong của ngân hàng này trong chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ hàng đầu đã giúp thay đổi mạnh mẽ trải nghiệm của người dùng, đặc biệt trong các hoạt động tiêu dùng thiết yếu như thanh toán qua thẻ và ngân hàng điện tử, góp phần tạo bước đột phá trong công nghệ thanh toán không tiền mặt. Riêng ứng dụng MyVIB đã bốn năm liên tiếp được tạp chí The Asset đánh giá là dịch vụ ngân hàng số xuất sắc nhất của năm và trải nghiệm khách hàng tốt nhất tại Việt Nam.
Là ngân hàng TMCP tư nhân đầu tiên hoàn thành ba trụ cột của chuẩn mực Basel II, VIB tiếp tục tiên phong trong việc áp dụng thử nghiệm chuẩn mực Basel III trong quản trị rủi ro. Điều này thể hiện cam kết của ngân hàng này trong việc hướng đến các chuẩn mực quốc tế để đảm bảo quản trị rủi ro hiệu quả song hành với tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và chất lượng.
Đáng chú ý, nhằm đáp ứng tối đa và thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi mạnh mẽ trong nhu cầu của người dùng đối với thanh toán không tiền mặt trong điều kiện mới, trong năm 2020 VIB đã đẩy mạnh đầu tư vào việc ứng dụng công nghệ hiện đại, xử lý dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây (iCloud) để thúc đẩy kinh doanh.
Ngân hàng này đã đạt số lượng khách hàng đăng ký ngân hàng số qua ứng dụng MyVIB tăng trưởng gần 300% trong năm 2020, góp phần đưa tổng số lượng khách hàng của VIB vượt ba triệu khách hàng. Số lượng khách hàng kích hoạt dịch vụ ngân hàng số tăng 103% và số lượng giao dịch trực tuyến tăng trưởng 110% trong năm 2020. Các yếu tố này đã giúp VIB nằm trong top các ngân hàng có tỷ trọng số lượng giao dịch trực tuyến cao nhất, ở mức 91% so với tổng số lượng giao dịch.
Năm 2021, Đại hội cổ đông thống nhất kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản 26%, đưa tài sản của ngân hàng lên trên 300.000 tỷ đồng. Về dư nợ tín dụng, tùy thuộc hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng nhà nước phê duyệt, ngân hàng đặt mục tiêu đưa dư nợ tín dụng lên 225.000 tỷ đồng với mức tăng trưởng khả thi trên cơ sở năng lực nội tại. Huy động vốn đạt 235.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng tín dụng. Trên cơ sở đa dạng hóa nguồn thu nhập từ hoạt động tín dụng và doanh thu từ phí dịch vụ, tăng cường hàm lượng công nghệ vào sản phẩm dịch vụ, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 29%, lên trên 7.500 tỷ đồng.
Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cũng chia sẻ, trong 2021-2022, ngân hàng này tập trung cao độ vào MyVIB và thẻ tín dụng. Đây là hai lĩnh vực khó, đòi hỏi ngân hàng phải nhất quán, kết hợp toàn bộ bộ máy trong thời gian dài, cùng với công nghệ.
"Để làm những việc khó mà còn đầu tư dàn trải thì sẽ mất rất nhiều nguồn lực. Do đó thẻ tín dụng và MyVIB sẽ là trọng tâm trong thời gian tới. Chúng tôi cũng cho rằng người tiêu dùng đã cảm nhận được điều này và rất ủng hộ sản phẩm của VIB", ông Đặng Khắc Vỹ nói.
Với đà tăng trưởng mạnh trong những năm qua cùng với tiềm lực tài chính và chiến lược kinh doanh cụ thể, Đại hội cổ đông VIB thông qua phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu. Vốn điều lệ dự kiến sau các phương án tăng vốn này là khoảng 16.000 tỷ đồng, đảm bảo tối ưu cho sự tăng trưởng mạnh về tổng tài sản trong năm 2021 và đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong kinh doanh.
Xem diễn biến chính