Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 của của VEPG vào ngày 24/1, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, dù trải qua một năm khó khăn do Covid-19, những con số về phát triển năng lượng tái tạo vẫn rất ấn tượng. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo đạt 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống (76.620 MW). Sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã chạm mốc 31,508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Hội nghị cấp cao lần 4 của VEPG. Ảnh: GIZ Việt Nam
VEPG thành lập vào tháng 6/2017, do Bộ Trưởng Bộ Công Thương, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Giám đốc Ngân hàng Thế giới đồng chủ trì. Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam đóng vai trò là một diễn đàn đa phương hỗ trợ đối thoại về chính sách và kỹ thuật, gắn kết nguồn hỗ trợ bên ngoài với các chiến lược và kế hoạch hành động của Việt Nam về năng lượng và biến đổi khí hậu. Đồng thời, nhóm chia sẻ các cam kết quốc tế, tạo thuận lợi cho đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng.
Đến nay, thông qua 40 khuyến nghị chính sách trong lĩnh vực này, Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam đã góp phần phát triển ngành năng lượng Việt Nam. Đồng thời, quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển ngày càng tăng cường, có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam hướng tới chuyển dịch năng lượng bền vững. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 26), Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn bằng nguồn lực nội tại cùng sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về tài chính, chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhận định quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam cần đảm bảo chi phí hợp lý cho nền kinh tế, xã hội và người dân Việt Nam nhưng vẫn giữ tính bền vững cho toàn bộ ngành năng lượng, trong đó có điện. Vì vậy, trong giai đoạn mới, VEPG vẫn tiếp tục là kênh đối thoại chính sách, tư vấn khuyến nghị chính sách cho Chính phủ. "Đề nghị VEPG có thêm các khuyến nghị khác. Bộ Công Thương và Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe", Thứ trưởng nói thêm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An (thứ ba trừ trái sang, hàng dưới), Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (thứ hai trừ trái sang, hàng dưới), Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam (thứ hai từ phải sang, hàng dưới) cùng nhiều diễn giả chụp ảnh lưu nhiệm tại hội nghị. Ảnh: GIZ Việt Nam
VEPG thay đổi cơ cấu
Về vấn đề thay đổi các điều khoản tham chiếu của VEPG trong thời gian tới, ông Ernedal Sven - Điều phối viên quốc tế Ban thư ký cho biết, mục tiêu chung của nhóm là hướng đến sử dụng hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho Chính phủ Việt Nam. Song song, VEPG sẽ khuyến khích các bên liên quan chung tay thực hiện chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với luật pháp quốc gia và các công ước quốc tế có Việt Nam là thành viên. Do đó, nhóm sẽ thay khẩu hiệu thành: "Cùng nhau, chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam".
Đối với 5 nhóm công tác kỹ thuật cũ, VEPG giữ nguyên hai nhóm là Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, đồng thời, có thêm ba nhóm mới là Quy hoạch chiến lược ngành điện; Tích hợp lưới điện và hạ tầng lưới điện; Thị trường năng lượng.
Theo đó, ba nhóm công tác kỹ thuật mới sẽ tiếp cận nhiều vấn đề phức tạp của quá trình chuyển dịch năng lượng và mở ra các cuộc thảo luận tiếp nối của COP 26. VEPG sẽ mời thêm các đối tác phát triển của Bộ Công Thương đồng chủ trì các nhóm công tác kỹ thuật; xây dựng các cuộc thảo luận về các chủ đề xuyên suốt với sự tham gia của cơ quan nhà nước, đơn vị tư nhân, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu nước ngoài.
Sau năm 2021, VEPG cũng sửa đổi điều khoản tham chiếu tập trung vào nhóm chuyên gia đặc trách. Theo đó, từng nhóm công tác kỹ thuật xác định chủ đề cụ thể; thành lập đội ngũ chuyên gia đặc trách; chỉ định đầu mối chính và các thành viên tham gia, xem xét báo cáo, từ đó, quyết định các bước thực hiện tiếp theo hoặc hoàn thành hoạt động và kết thúc.
Ông Sven Ernedal cho biết thêm, nhóm chuyên gia đặc trách sẽ chỉ gồm có một cơ quan, tổ chức là đầu mối chính và các thành viên có khả năng tích cực đóng góp. Các nhóm này có thể mời cán bộ, chuyên gia từ bộ, ngành khác hoặc viện nghiên cứu, đơn vị ngoài nhà nước cùng tham gia.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 của của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam VEPG diễn ra ngày 24/1. Ảnh: GIZ Việt Nam
Đánh giá cao đề xuất thay đổi của VEPG, ông Giorgio Aliberti - Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ, đề xuất điều chỉnh cấu trúc VEPG thể hiện nhóm có thể đáp ứng được những thay đổi mới trong qua trình chuyển dịch năng lượng. Với bối cảnh ngành năng lượng chiếm tới 2/3 tổng phát thải của Việt Nam, việc vấn đề cắt giảm công suất vẫn là thách thức to lớn dù đã có nhiều thành công. "Ý tưởng trên hữu ích, toàn diện, chúng ta cần tất cả chung tay phối hợp để chia sẻ, tiếp tục thực hiện những mục tiêu này", ông nói thêm.
Liên minh Châu Âu vẫn sẵn sàng hỗ trợ VEPG và phối hợp với Ngân hàng Thế giới cùng các nhà tài trợ khác, đồng thời, giữ vững vai trò đồng chủ tịch, chung tay thực hiện các mục tiêu này.
Đồng quan điểm, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, VEPG là một trong những nhóm công tác hiệu quả nhất với khả năng tập trung vào các vấn đề chiến lược chính, chuyển thách thức thành các hoạt động cải cách, giải pháp huy động tài chính hiệu quả.
Ngân hàng Thế giới chào đón và hoan nghênh cấu trúc mới của nhóm công tác kỹ thuật do ban thư ký VEPG đề xuất. Những nỗ lực này sẽ hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng sạch của Việt Nam. "Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực nói trên để có được một cơ cấu phù hợp, cân bằng, đa dạng cho các nhóm công tác kỹ thuật, thúc đẩy các hoạt động mục tiêu", bà Carolyn Turk khẳng định.
Thiên Minh