Dáng người nhỏ bé nhưng gương mặt lại già dặn vì sương gió, quẹt mồ hôi trên trán, chị Hạnh cho người đối diện cảm giác khó nhọc của nghề đồng nát. Quê tận Thái Bình, chị theo chúng bạn vào trong này mưu sinh cũng được vài năm rồi. Ban đầu vào đi làm công nhân nhưng đồng lương không được là bao nên chị chuyển qua nghề thu mua đồng nát dạo. Từ chỗ không biết đường đi nơi phố thị, đến nay chị thạo đường chả thua gì mấy ông xe ôm.
![]() |
Vì xe đồng nát này, chị Hạnh đã không thể về quê ăn Tết với chồng con. Ảnh: Hoàng Huế. |
“Những ngày đầu mới đi, một ngày đạp xe dăm chục cây số, đêm về đau mỏi lắm. Mình đi mua dạo cũng chẳng được là bao nhưng nếu chịu khó và gặp may thì ngày cũng được trên dưới một trăm nghìn, không thì dăm chục. Nắng cháy, mưa dầm cũng không quản chỉ cần có thêm tiền gửi về cho mấy đứa con ăn học ở quê thì mình cũng cam lòng”, chị bùi ngùi tâm sự.
Có lẽ vì thế mà chỉ mới 37 tuổi nhưng nhìn vẻ bề ngoài thì nhiều người lầm tưởng chị phải trên bốn mươi. Chị đi thu mua khắp nơi, gặp khi hàng đầy thì ghé qua vựa thu mua nào đó bán rồi lại đi tiếp. Bán ở vựa quen thì được giá hơn nhưng nếu đợi mang hàng về thì nặng quá, đi không nổi nên gặp đâu bán lại đấy rồi đi tiếp. Nhà trọ ở Thủ Đức nhưng có khi chị lên tận quận Bình Tân để mua. Thu dọn đống chai bao khách cho, chị lại đạp xe trong con hẻm nghèo ngoằn và cất tiếng rao “Ai đồng nát đi…”.
Cũng làm nghề thu mua đồng nát dạo như chị Hạnh nhưng bà Thơm quê Quảng Ngãi đã có thâm niên trên chục năm rồi. Bà tâm sự vì ngày càng nhiều người đi thu mua nên nghề này không còn kiếm được như trước nữa.
“Trước đây một ngày tôi có thể mua được cả trăm ký chai, bao, ít thì cũng được dăm chục ký nhưng bây giờ nhiều người đi mua nên hàng cũng ít đi. Có ngày chỉ được chục ký”.
Giá một ký chai nhựa các loại mua tại gia đình là 3.000 đồng, bán lại cho chủ vựa là 3.500 đồng. Vỏ bia lon các loại mua 3.000 đồng, bán được 4.000 đồng một chục. Giấy báo mua 12.000 đồng mỗi kg, bán lại 14.000. "Nếu chịu khó đi, mua được nhiều thì mỗi ngày cũng kiếm được dăm bảy chục", bà cho biết.
Gia đình bà Thơm có bảy đứa con, người chồng sức khỏe yếu không có khả năng lao động, cũng từ ngày ấy, bà phải vào Nam hành nghề đồng nát. Chắt chiu từng đồng nên bà chỉ dám ăn cơm với rau, ráng tiết kiệm tiền gửi về quê cho chồng con. Đi mua đồng nát dạo cả ngày mệt nhọc nhưng bà chỉ dám cầm theo vắt cơm hoặc ăn tạm ổ mì trái bắp. Bà buồn buồn tâm sự rằng trên mười năm thu mua đồng nát, thì có tới hơn nửa thời gian đó không được về quê đón Tết cùng gia đình.
“Hôm 25 âm tôi cũng định về, hỏi tiền xe hết những 600.000 đồng. Tính đi tính lại cũng tốn cả triệu tiền tàu xe lại còn ăn uống quà cáp… nên tôi không dám về nữa. Mình ở lại buồn lắm nhưng lấy tiền đó gửi về cho tụi nhỏ ăn học thuốc thang cho chồng nên cũng đỡ tủi. Cả khu nhà trọ về hết, tôi buồn quá nên ngày 30 còn đi mua, chỉ nghỉ mùng 1 mùng 2 lại đi tiếp. Ở lại tết thì buồn nhưng được cái mua có nhiều hàng hơn, giáp tết người ta dọn dẹp cửa nhà rồi ăn uống liên hoan nên có nhiều chai bao, lon bia dư thừa để bán. Không đi một ngày thấy nhớ, giờ thành cái nghiệp rồi. Mà con gái lớn của tôi đã lập gia đình cũng đi mua đồng nát dưới Bình Dương. Đúng là cái nghiệp rồi còn gì”, bà cười cười kể, nhưng khóe mắt ươn ướt.
Bắt đầu một ngày từ lúc sáng sớm và trở về khi trời đã nhá nhem tối, một ngày những người thu mua đồng nát dạo phải đạp xe hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số. Trên những chiếc xe đạp cũ kỹ chất đầy chai bao những người thu mua đồng cứ thế rong ruổi khắp mọi nẻo đường, đi nhặt nhạnh chút tiền rơi vãi của thiên hạ. Khi mọi người còn đang vui Tết đón xuân thì họ vẫn mải miết trên những nẻo đường với xe đồng nát cùng những giọt mồ hôi thấm đẫm lưng và tiếng rao quen thuộc “Ai đồng nát đi…”
Hoàng Huế