Văn hoá khác biệt giữa người Mỹ và người Trung Quốc dẫn đến những cách xử lý não khác nhau trước cùng một vấn đề. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Các nghiên cứu trước kia đã cho thấy văn hoá Mỹ xem xét giá trị của mỗi cá nhân, nhấn mạnh sự độc lập của đối tượng trong bối cảnh, thì ngược lại xã hội Đông Á tập trung hơn về cộng đồng và nhấn mạnh đến việc nhìn nhận con người và vật thể trong bối cảnh.
Trong thí nghiệm, hai nhóm người tham gia (người Mỹ và người Đông Á) được xem một chuỗi các biểu đồ, mỗi biểu đồ gồm có một đường thẳng đứng bên trong một hình hộp. Người tham gia sẽ phải xác định xem vị trí của đường thẳng - hình hộp trong biểu đồ này có trùng với biểu đồ trước đó hay không, bằng cách sử dụng hai quy luật.
Một quy luật yêu cầu họ bỏ qua các chữ viết và chỉ tập trung vào độ dài của đường thẳng, không cần quan tâm đến hình hộp.
Quy luật thứ hai yêu cầu họ để ý đến các chữ viết và phải căn tỷ lệ của đường thẳng với hình vuông.
Cả hai nhóm tình nguyện được chụp não bằng kỹ thuật cộng hưởng từ khi thực hiện phép đánh giá theo hai quy luật này.
Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy vùng não đỉnh - trán (tham gia khi thực hiện các việc chú ý cao độ) trở nên hoạt động mạnh hơn ở người Đông Á khi họ cân nhắc các hình mà lờ đi các chữ viết (bỏ qua bối cảnh). Còn với người Mỹ, vùng này lại hoạt động tích cực hơn khi họ phải tính đến các chữ số (phải tính đến bối cảnh).
"Phát hiện chứng tỏ rằng mỗi nhóm người huy động sự chú ý mạnh hơn vào nhiệm vụ khó khăn hơn với họ, bởi đó là điều họ không được hỗ trợ từ nền văn hoá của mình", giáo sư Arthur Aron tại Đại học Stony Brook, Mỹ, phát biểu.
Nhóm nghiên cứu cũng khẳng định sự khác biệt về văn hoá còn ảnh hưởng đến phim ảnh và hoạt động quảng cáo. Công trình được công bố trên tạp chí Psychological Science.
T. An (theo newswise)