Người gửi: Lê Thanh Phong
Năm nay , Bộ đã cho thi trắc nghiêm 4 môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nói chung, mọi người đều cho đây là hình thức thi mới mẻ, cần được thử nghiệm ở Việt Nam thêm nữa.
Thực ra, hình thức thi cử này không mới, Việt Nam ta đã áp dụng từ năm 1974 ở bậc tú tài và thi vào ĐH ở miền Nam. Còn nhớ, chúng tôi, lứa tuổi U50 hiện nay, là lớp người đầu tiên thi tú tài bằng phương pháp trắc nghiệm. Toàn bộ các môn học đều thi trắc nghiệm nên chúng tôi thường gọi đùa là tú tài IBM (vì năm đó là năm đầu tiên sử dụng máy tính IBM (to bằng nửa căn nhà) để chấm bài.
Hồi đó, cũng có nhiều ý kiến phản bác cho là thi trắc nghiệm, học sinh sẽ mất tính "tư duy toán học" và "cảm thụ văn học" giống như có người bây giờ đã lo lắng. Có người còn coi thường, phân biệt đối xử với bằng cấp "tú tài IBM".
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh không phải thế. Bằng chứng là bọn tôi sau này có người đã là nhà thơ nổi tiếng, nhà lập trình, cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi ở nhiều ngành, lãnh vực quan trọng khác trong xã hội.
Do đó, theo quan điểm của tôi, chúng ta không nên quá đặt nặng vấn đề thi cử trong giáo dục vì chẳng qua thi cử là để đánh giá lại một cách tương đối trình độ kiến thức, tài năng của một con người chứ không phải là tất cả. Quan trọng là chúng ta dạy và học cái gì, bằng phương pháp nào để con em chúng ta, nền giáo dục Việt Nam sớm đạt được trình độ khoa học kỹ thuật chung của thế giới.
Thi trắc nghiệm là phương pháp có nhiều ưu điểm hơn các phương pháp thi cổ điển khác, cần được áp dụng cho tất cả các môn học ở tất cả các cấp học, kể cả bậc đại học.
Lê Thanh Phong
Cần Thơ
Người gửi: Phó Thanh Lâm
Tôi là một sinh viên ĐH năm thứ 3 đang học tập ở nước ngoài. Tôi thấy những năm gần đây nghành giáo dục Việt Nam đã có những thay đổi rất tích cực. Thi trắc nghiệm là một trong những sự cải cách rất nên làm.
Thực tế, các nước có ngành giáo dục phát triển đã áp dụng hình thức này từ rất lâu và hiệu quả cũng đã được khẳng định. Tôi nghĩ môn Toán chúng ta vẫn có thể áp dụng thể thức trắc nghiệm mà vẫn đạt được những yêu cầu về kiến thức.
Thầy Nguyễn Văn Sơn nói "làm Toán mà không giải Toán thì không còn tư duy logic". Điều đó không hẳn vì mặc dù là đề trắc nghiệm nhưng muốn có một câu trả lời đúng thí sinh vẫn phải giải cả bài toán như bình thường mà chỉ mất công đoạn chép lời giải vào bài thi mà thôi. Điều này sẽ giảm được nhiều chi phí cũng như thời gian và công sức cho công tác chấm thi.
Còn đối với môn văn thì không nên áp dụng 100% trắc nghiệm,vì đây là môn có tính đặc thù nhưng vẫn có thể làm đề một cách hợp lý để vẫn có thể kiểm tra kiến thức của thí sinh mà không phải mất quá nhiều thời gian của người viết cũng như người chấm.
Đó chỉ là ý kiến riêng nhưng tôi tin những cải cách của Bộ GD&ĐT đang theo chiều hướng tích cực.
Người gửi: Hoàn
Tôi phản đối nhận định: “Thi Toán mà không giải Toán thì không có tư duy logic, thi Văn mà không viết Văn thì không còn tư duy hình tượng”. Hiện nay, cái chúng ta cần là dạy cho học sinh cách tư duy, lý luận chứ không phải đi kiểm tra xem các em có tư duy hay không.
Việc muốn các em có tư duy trong học tập và nghiên cứu là do quá trình dạy và học chứ không phải là do làm bài kiểm tra. Chúng ta nên hướng tới việc thực chất trong dạy và học chứ đừng đánh đố nhau thông qua một bài kiểm tra.
Cho dù học sinh đó có thể không làm bài kiểm tra tốt nhưng cái quan trọng mà em đó có được là khả năng tư duy. Còn nếu không làm bài kiểm tra có tính tư duy thì không nhận biết được học sinh đó có tư duy hay không thì nên xem lại phương pháp và khả năng giáo dục.
Cho dù là đề trắc nghiệm thì học sinh đó cũng phải giải bài toán mới có được đáp số (tôi xin loại trừ các trường hợp may rùi).