![]() |
Ảnh: jupiterimages |
Anh Thanh, ở huyện Bình Chánh, bị chó nhà hàng xóm cắn vào chân từ đầu tháng 7, đã sử dụng 4 mũi Rabivax II. Còn hai mũi nữa là kết thúc việc tiêm ngừa nhưng anh nhất quyết yêu cầu bác sĩ đổi loại văcxin khác.
"Giá tiền loại thay thế gấp gần 20 lần loại cũ. Nhưng thà mất tiền thêm còn hơn cứ tiêm thuốc đã gây biến chứng bại liệt", anh Thanh tâm sự.
Bà Nguyên Kim Loan, Giám đốc Công ty văcxin và sinh phẩm 2 Khánh Hoà, nơi sản xuất Rabivax II, cho biết, 300.000 liều văcxin Rabivax II mà Bộ Y tế có ý cho phép tiếp tục sử dụng, hiện còn ở trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh. "Riêng hơn 250.000 liều văcxin Rabivax tồn kho tại công ty thì chúng tôi vẫn bảo quản và đang chờ ý kiến của Bộ Y tế để xử lý", bà Loan nói. |
Không chỉ anh Thanh, nhiều người bị chó, mèo cắn thời gian gần đây khi tới tiêm phòng ở Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM đều cương quyết từ chối Rabivax II.
"Dù Bộ Y tế khẳng định thuốc vẫn sử dụng được nhưng có người tiêm vào bị liệt ngay thì làm sao tôi dám tin", chị Nguyễn Bạch Lan, quận 8, nói.
Hiện tượng tẩy chay Rabivax II diễn ra tại TP HCM, sau khi một bệnh nhân tiêm phòng dại bằng loại văcxin này đã bị bại liệt toàn thân ngày 25/5. Và một bệnh nhân ở Hậu Giang bị liệt tứ chi, sau khi tiêm Rabivax II đến mũi thứ sáu, ngày 23/8.
Phòng tiêm ngừa, Trung tâm y tế dự phòng TP HCM, thừa nhận, phản ứng như trên của người dân là có thật. Trung tâm cho biết, Bộ Y tế chưa có văn bản cấm lưu hành nên Rabivax II vẫn nằm trong danh mục được phép sử dụng. Tuy nhiên, nếu có người muốn tiêm, Trung tâm yêu cầu họ phải ký cam kết chấp nhận tai biến nếu có.
Còn các trung tâm y tế dự phòng Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long thì đã dừng sử dụng hoàn toàn Rabivax II sau hai vụ tai biến nói trên. Lý do họ đưa ra một phần vì người dân từ chối loại văcxin này, một phần lo ngại rủi ro có thể xảy ra.
"Trước khi có văn bản chính thức từ Bộ về Rabivax II, chúng tôi tạm thay thế bằng văcxin của Pháp để xác suất an toàn cao hơn", đại diện Trung tâm y tế dự phòng huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nói.
Văcxin Verorab do Pháp sản xuất, được các nhà phân phối dược tại Việt Nam cung cấp. Với Rabivax II, mỗi người phải tiêm 6 mũi nhưng chỉ mất trên 40.000 đồng, còn Verorab, tiêm 5 mũi song mất tới 700.000 đồng.
Thiên Chương