Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) hôm nay (13/9) họp báo để công bố thông tin về quá trình xử lý vi phạm tại Công ty Dược phẩm Viễn Đông. Những sai phạm này chủ yếu liên quan đến việc công bố thông tin phục vụ đợt chào bán cổ phiếu DVD được Ủy ban cấp phép ngày 25/8/2010.
![]() |
Cổ phiếu Dược Viễn Đông từng được đánh giá cao tại thời điểm chào sàn TP HCM cuối năm 2009. Ảnh: DVD |
Theo thông tin từ Phó chủ tịch Ủy ban - Vũ Thị Kim Liên, những nghi vấn về sai phạm của Dược Viễn Đông bắt nguồn từ đơn kiến nghị của một số nhà đầu tư mà SSC nhận được đầu tháng 9/2010, chỉ ít ngày sau khi đợt chào bán được cấp phép.
Tuy là đơn nặc danh nhưng lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho biết vẫn tiến hành xem xét nội dung, rà soát cáo bạch và các thông tin liên quan. Qua đó, Ủy ban phát hiện cáo bạch mà Dược Viễn Đông nộp thực chất vẫn là phiên bản được thực hiện khi niêm yết cổ phiếu vào cuối năm 2009, thay vì bản mới, phục vụ cho đợt chào bán.
Do sai phạm này, Ủy ban đã quyết định dừng đợt chào bán của Dược Viễn Đông trong khi yêu cầu doanh nghiệp giải trình các vấn đề liên quan. Lãnh đạo công ty sau đó đã tiến hành giải trình và cam kết tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin cung cấp. Đợt chào bán do đó được tiếp tục kể từ ngày 10/9.
Tuy nhiên, đến ngày 24/9, Ủy ban Chứng khoán tiếp tục nhận được đơn nặc danh với nội dung chi tiết hơn về việc giả mạo chữ ký trong Bản cáo bạch chào bán chứng khoán ra công chúng. Với căn cứ này, ngày 15/10, Ủy ban quyết định thành lập đoàn kiểm tra trực tiếp tại Dược Viễn Đông. Kết quả cho thấy doanh nghiệp mắc khá nhiều sai phạm về quản trị công ty, công bố thông tin cũng như nghi vấn về việc tạo doanh thu ảo.
Sau khi phối hợp với cơ quan điều tra, SSC đã phát hiện dấu hiệu giả mạo chữ ký trong bản cáo bạch chào bán cổ phiếu của Dược Viễn Đông và yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM cho dừng việc niêm yết bổ sung cổ phiếu mới tại HOSE. Đến cuối tháng 11, Ủy ban tiếp tục có quyết định đình chỉ đợt chào bán của Dược Viễn Đông và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Mới đây, cổ phiếu DVD của doanh nghiệp cũng đã SSC và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM cho hủy niêm yết. Tuy không liên quan trực tiếp đến vụ việc nêu trên nhưng lý do được cơ quan quản lý đưa ra một lần nữa liên quan đến trách nhiệm công bố thông tin của doanh nghiệp. Vào cuối năm 2010, cựu Chủ tịch công ty - ông Lê Văn Dũng cũng một số cá nhân đã bị bắt và khởi tố về tội danh làm giá chứng khoán.
Giải trình về trách nhiệm của Ủy ban trong việc để các sai phạm tại Dược Viễn Đông xảy ra quá lâu nhưng không được xử lý, bà Vũ Thị Kim Liên khẳng định cơ quan quản lý đã làm hết trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch SSC cũng thừa nhận, cho đến thời điểm này, tất cả những gì Ủy ban có thể nói về hồ sơ chào bán cổ phiếu của Dược Viễn Đông vẫn chỉ là “có dấu hiệu vi phạm”. Kết luận chính thức vẫn chỉ có thể được đưa ra từ phía cơ quan điều tra.
Cũng theo bà Liên, khi xét cấp phép phát hành cho doanh nghiệp, Ủy ban chỉ có thể căn cứ theo hồ sơ và báo cáo có kiểm toán. Ủy ban không thể có đủ nguồn lực và thời gian để tới tận nơi, đối chiếu hồ sơ của hơn 1.600 công ty đại chúng đang hoạt động “Với những doanh nghiệp cố tình vi phạm và có thủ thuật tinh vi như DVD thì rất khó để phát hiện ngay”, Phó chủ tịch SSC cho biết.
Một nguyên nhân khác cũng được bà Liên đưa ra là các cơ sở pháp lý hiện chưa thực sự đầy đủ để Ủy ban có đủ thẩm quyền giải quyết kịp thời các yêu cầu mà nhà đầu tư đưa ra. Tuy vậy, cơ quan này cũng đang chuẩn bị Dự thảo Nghị định hướng dẫn ban hành Luật chứng khoán theo hướng phù hợp và thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý để phát hiện và xử lý các sai phạm nảy sinh trên thực tế.
Nhật Minh