From: Moon River
Sent: Wednesday, September 17, 2008 10:12 PM
Subject: Ý kien ve bài "Có nên quay lai voi nguoi chong cay nghiet" cua chi Huong
Thân gửi chị Hương,
Em đọc bài tâm sự của chị từ mấy hôm trước, cũng vẫn định là một độc giả như mọi khi thôi. Nhưng sau khi đọc bài của Phong Lan (“ Sau cú đánh trời giáng, em đã dứt bỏ ông chồng vũ phu”), của Hong Thoan Pham (“ Hương phải xem lại mình trước đã”), và của Tam Dieu (“ Lầm lũi chịu đựng ông chồng cay nghiệt”), em quyết định viết thư cho chị, chia sẻ với chị và các bạn đọc khác một số suy nghĩ của mình, từ góc độ một người phụ nữ trưởng thành và góc độ một người con trong gia đình.
Ở góc độ một người phụ nữ, em hoàn toàn đồng tình với những phân tích và quyết định của Phong Lan. Là người phụ nữ, chúng ta trước hết là một con người và cần được đối xử như một con người. Là phái yếu, chúng ta lại càng cần được đối xử nhẹ nhàng và có học. Vậy mà chính người chúng ta yêu thương, kỳ vọng nhất, là chỗ dựa của chúng ta trong cuộc đời, lại là người làm chúng ta sợ hãi nhất, thất vọng nhất. Vậy thì còn lý do gì để bên nhau đi tiếp trong cuộc sống này?
Bản chất đàn ông là luôn muốn có nhiều hơn một người phụ nữ trong cuộc đời mà không phải ràng buộc gì. Lý do duy nhất để họ chung thủy có lẽ chỉ là do họ còn có tình yêu với vợ con, tình yêu này lớn hơn lòng tham của họ mà thôi. Khi tình yêu đó không còn hoặc trở nên yếu đi vì những lý do này khác, người đàn ông ngay lập tức nhìn ra xung quanh tìm kiếm người phụ nữ khác. Và một khi đã phản bội, chẳng có lý do gì họ chỉ phản bội với một người phụ nữ khác. Có thể là 2, 3, thậm chí nhiều hơn. Khi đó, người vợ trở thành cái gai trong mắt họ, làm cho họ cảm thấy luôn không thoải mái mỗi khi đối diện với vợ con vì phải sống trong tâm trạng đang lừa dối người khác, hoặc đơn giản vì họ không thể tự do đi lại với người tình.
Em đọc bài của Hong Thoan Pham và rất lo ngại rằng, với những lời khuyên như vậy, theo kiểu cổ vũ các danh hiệu hão huyền như “vị tha, vì gia đình”, sẽ còn nhiều người phụ nữ phải khổ vì những danh hiệu đó lắm. Em chỉ đồng ý với Thoan ở khía cạnh, lỗi lầm có thể thuộc về chị Hương. Nhưng không thể, trong bất kỳ trường hợp nào, lấy đó làm lý do chấp nhận việc bị chồng hành xử một cách vũ phu.
Em có một so sánh thế này, xin phép được đưa ra. Chắc mọi người chưa quên vụ Tomohiro Kato rút dao giết chết 7 người vô tội trên đường phố Tokyo hồi tháng 6 năm nay. Lý do chỉ vì y đã chán cuộc sống, vì y hận người mẹ khắc nghiệt đã khiến tuổi thơ của y chìm trong cay đắng, tủi nhục… Vâng, có thể có hàng ngàn nguyên nhân khiến chúng ta có thể phải rơi nước mắt, nhưng có thể vì những lý do đó mà y có quyền giết người không, hoặc khiến chúng ta thông cảm với hành động của y không? 7 con người kia có tội tình gì với hắn mà bị cướp mất cuộc sống? Trong gia đình chị cũng vậy, chị và các con chị có tội tình gì mà phải chịu đựng một người chồng, một người bố bạo lực, thiếu đạo đức như vậy?
Từ góc độ một người con trong gia đình, em xin chia sẻ với chị suy nghĩ của em về người bố bạo lực và cuộc hôn nhân của chính bố mẹ em. Bố em cũng là người có tiếng nói trong xã hội. Ra ngoài ông luôn được mọi người đánh giá là người tốt, chăm lo vợ con, gia đình, biết kiếm tiền. Bố em cũng là người thương con cái, đặc biệt là chiều em (vì em là con út nữa).
Nhưng từ khi lớn hơn một chút, chứng kiến những trận đòn vô lý của bố dành cho mẹ, những lần mẹ thu mình trong góc giường khóc nức nở, em lờ mờ hiểu ra rằng có gì đó không ổn, bố không tốt đẹp như những lời nói ngọt ngào, những chiếc kẹo, món quà bố dành cho em. Mỗi khi uống rượu say bét nhè về, mà chuyện xảy ra như cơm bữa, bố lại về nhà kiếm cớ chửi bới, đánh mắng mẹ. Nếu mẹ giả điếc thì bố lôi cả họ hàng ông bà ngoại em ra, cho đến khi nào mẹ không chịu được, cãi lại mới thôi. Thế là bố lại có cớ mắng chửi, đánh đập mẹ.
Có ai tưởng tượng được mẹ em đã phải chịu đựng hàng chục năm trời, cho đến tận bây giờ và chắc là cả cuộc đời này nỗi đau dường như đã hóa đá này không. Một người con gái từng là hoa khôi một vùng, học giỏi nhất trường, con nhà khá giả, kết hôn với một người con trai ngoại hình bình thường, nhà nghèo, thua xa nhiều người khác đang theo đuổi (thông minh, sáng sủa, hiện giờ đang nắm cả những chức vụ to). Những tưởng kết hôn với người theo đuổi mình đến mức chai lỳ để có được mình như vậy sẽ đem lại cho mình cuộc sống hạnh phúc, nhưng hóa ra đó lại là một quyết định sai lầm mà em tin có khá nhiều người phụ nữ mắc phải.
Lớn lên trong hoàn cảnh đó, không có một ngày nào được yên thân, cho đến cả tận bây giờ, em rất nhiều lần khuyên mẹ nên chia tay bố, nhưng mẹ em không đồng ý. Lý do cũng chỉ vì bà ngoại em khuyên mẹ em “là thân phụ nữ phải biết nín nhịn chồng, cứ lúc nào nó chửi thì giả điếc”. Rồi chỉ vì mẹ em cũng muốn con cái có đầy đủ bố mẹ như mọi người, cứ thế cứ thế mẹ em cố gắng ngày này qua ngày khác.
Kết quả là đến giờ, em vẫn có đủ bố mẹ đấy, nhưng bố em tính tình chẳng thay đổi, chỉ có ít chửi bới đi thôi vì đã già rồi không còn sức như hồi trẻ. Mẹ em thì sau bao năm hy sinh vì con cái, từ một người con gái xinh đẹp phơi phới đầy sức sống đã thành một người phụ nữ yếu ớt, mắc đủ thứ bệnh tật trong người, sống một cuộc sống không còn niềm vui, không thích hưởng thụ (vì mẹ chỉ quen với việc hy sinh trong suốt cuộc đời), không còn thiết một thứ gì nữa.
Em rất đau lòng mỗi khi nghĩ đến mẹ, đến cuộc sống của mẹ bây giờ. Còn bản thân em, đến giờ có thể nói em gần như không còn một chút tình cảm gì với bố nữa, với em bố chỉ là một người bố trên danh nghĩa, em hầu như vô cảm với mọi thứ liên quan đến bố mình. Bản thân những xung đột trong gia đình cũng để lại trong em những dấu ấn rất nặng nề, và em luôn tìm cách tránh những người đàn ông có một chút nào đó khiến em liên tưởng đến đến những thói xấu của bố.
Mọi chuyện với gia đình em giờ gần như đã an bài, chắc chẳng có gì thay đổi được nữa. Nhưng nếu có thể làm lại được, em ước gì mẹ em đã dũng cảm chia tay bố em sớm hơn, không vì mủi lòng với những lời xin lỗi của bố nữa thì có lẽ giờ đây cuộc sống của tất cả mọi người trong gia đình đã có thể đi theo hướng khác tốt đẹp hơn. Mẹ em chắc sẽ khỏe mạnh hơn, biết yêu cuộc sống này hơn, biết hưởng thụ những thứ mẹ xứng đáng được hưởng.
Các anh em em chắc cũng sẽ buồn một thời gian đấy, nhưng có lẽ sẽ vì thế mà không nghĩ quá xấu về bố, sẽ không đến nỗi vô cảm với bố như bây giờ. Còn bố em, nếu không có điều kiện hành hạ nói xấu mẹ nữa, tính tình bố có khi cũng sẽ không càng ngày càng tệ đi. Đánh chửi người trong nhà thì người ta phải chịu nhịn, có mấy ai có cơ hội đánh chửi người ngoài mà được yên thân đâu.
Mỗi người chỉ có một cuộc đời. Chị có thể nói rằng, chị sống còn vì con cái, vì bố mẹ. Nhưng hơn ai hết, chị cần có trách nhiệm với chính cuộc sống của chị. Không ai có thể sống thay cho chị được. Chỉ khi nào chị hạnh phúc thì những người thân yêu luôn lo lắng và yêu thương chị mới có thể hạnh phúc được. Nếu người nào đó nói rằng chị làm thế là ích kỷ, em xin khẳng định chính người đó mới ích kỷ. Niềm vui của họ (có khi rất là hão huyền: như vì sĩ diện với xã hội, người xung quanh…) phải trả bằng cái giá là sự đau khổ và cuộc sống của chị, điều đó có đáng với không? Chắc chị tự trả lời được.
Theo em, giờ chị nên quyết tâm một lần cho dứt hẳn. Chị đã ra khỏi nhà rồi, nếu quay lại chưa chắc đã là điều hay. Người ta đã không tôn trọng chị, không coi chị như một con người ngang bằng, thậm chí (xin lỗi chị) chỉ như một món đồ muốn sở hữu, chị còn lưu luyến gì đây? Còn với những chị em khác cũng đang trong tình cảnh như chị Hương nhưng vẫn chưa chia tay, em xin mạo muội được khuyên rằng: anh chị nên ngồi lại nói chuyện về vấn đề của hai người một lần cuối cùng, và có điều kiện rõ ràng.
Chị nên dũng cảm và quyết tâm hơn trong việc ra quyết định của mình nếu chồng tái phạm. Em không bao giờ tin rằng anh ấy sẽ thay đổi tính vũ phu của mình (vì là tính rồi), nhưng vì sợ và nể chị, mà sẽ phải tự kiềm chế, không dám làm xằng bậy vì sợ chị chia tay. Còn nếu anh không quan tâm đến việc chia tay hay không, thì chắc chị đã biết phải làm gì rồi.
Chúc chị Hương và các chị em khác trong tình cảnh tương tự tìm được quyết định đúng đắn nhất mang lại hạnh phúc cho cuộc đời của mình.
Giang