Tại giao ban xuất khẩu hai tháng đầu năm giữa Bộ Công thương với doanh nghiệp phía Nam chiều qua, ông Dũng cho rằng, chính những lực cản này đang khiến nhịp độ xuất khẩu của tháng 2 không chỉ chựng lại mà còn giảm so tháng 1.
Trao đổi với đại diện Bộ Công thương, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, thời gian qua, những quyết định của chính phủ về chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá không được thông báo rộng rãi, kịp thời. Hầu hết doanh nghiệp bị bất ngờ. Chỉ sau một đêm ngủ dậy là mọi thứ thay đổi: Ngân hàng không cho vay, lãi suất tăng chóng mặt, đồng đô la bán ra bị ép giá, bị thu phí.
Doanh nghiệp cho rằng, mình có quyền được thông báo các chính sách kịp thời để tiên liệu tình hình trước khi quyết định ký kết hợp đồng với đối tác, tránh bị động.
"Với áp lực tỷ giá đồng đô la, lãi suất ngân hàng như hiện nay, doanh nghiệp không còn cách nào khác phải giảm sản lượng, sa thải hoặc cho công nhân nghỉ luân phiên", đó là ý kiến của các đại diện công ty.
Doanh nghiệp xuất khẩu đang chịu nhiều áp lực về chính sách tiền tệ khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng. Ảnh: P.A. |
Ông Nguyễn Thái Học, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội điều VN cho rằng, các chính sách về tiền tệ, tín dụng là yếu tố tác động mạnh nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành điều nói riêng và các ngành hàng khác nói chung trong thời gian qua. Tình hình này sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng nếu không có những thay đổi đáng kể.
Theo ông Học, thời gian qua, chi phí nguyên vật liệu tăng 40%, cho lao động cũng tăng gần 40%. Doanh nghiệp đi vay ngân hàng với mức lãi suất có lúc lên đến 1,7%. Tổng chi phí giá thành so với cùng kỳ tăng 40%, trong khi giá bán sản phẩm chỉ tăng 25-26%. Ông Học nói, những lô hàng đã ký dài hạn, nếu chỉ tính riêng về giá thành đã phải chịu lỗ khoảng 15%. Cộng thêm thiệt hại khi tỷ giá USD đi xuống, doanh nghiệp không còn cách nào để xoay sở.
Đại diện các hiệp hội hồ tiêu, lương thực thực phẩm cũng cho hay, hiện nay phải áp dụng đầu cơ hàng hóa, chờ giá cao mới bán ra thị trường. Có như vậy mới bù lại các khoản thâm hụt. Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu, ông Đỗ Hà Nam cho biết, các doanh nghiệp phải tìm kiếm những giải pháp khác như mua nội địa, bán nội địa để giảm thiểu tác động của tình hình giảm giá đồng đô la đang đè nặng.
Đại diện của Hiệp hội thủy sản bộc bạch: "Đối với mặt hàng thủy hải sản thì thậm chí không thể áp dụng đầu cơ, mua dự trữ nguồn hàng". Vị này bày tỏ lo ngại giá nguyên liệu, thức ăn vật nuôi tăng cao, kéo theo giá thành cá tra tăng, doanh nghiệp không có tiền để mua vì vướng chính sách thắt chặt tiền tệ và lãi suất quá cao.
Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Việt Nguyễn Giang Nam cũng thừa nhận, không riêng doanh nghiệp xuất khẩu mà các ngân hàng trong thời gian qua cũng lâm vào thế bị động. "Áp dụng mua USD theo tỷ giá do Ngân hàng nhà nước quy định, ngân hàng thương mại chỉ còn cách cất USD vào kho. Nhà băng cũng không còn tiền để mua. Giao dịch khách hàng giảm sút trầm trọng ảnh hưởng đến hoạt động của Nam Việt", ông Nam nói.
Vi Vi