"Chúng tôi đã chuyển cho Ukraine một số đạn chính xác cao được tăng tầm, trang bị hệ thống dẫn đường và có khả năng đánh trúng mục tiêu ở xa hơn bom thông thường. Chúng mới được bàn giao trong vòng ba tuần qua", tướng James Hecker, tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu (USAFE) và Bộ chỉ huy không quân Đồng minh của NATO, cho biết trong hội thảo tại Mỹ hôm 6/3.
Tướng Hecker cho hay bom JDAM-ER có tầm bay tối đa 72 km khi thả từ độ cao và tốc độ lớn, so với 24 km của những quả JDAM thông thường. Phiên bản này có tầm bay vượt trội nhờ trang bị cánh nâng gấp gọn, có thể bung ra sau khi bom tách khỏi máy bay.
Ông không tiết lộ mẫu chiến đấu cơ được trang bị loại bom này, nhưng trước đó đã nhấn mạnh quá trình tích hợp tên lửa diệt radar AGM-88 HARM lên tiêm kích MiG-29 và Su-27 trong biên chế không quân Ukraine.

Mô hình bom JDAM-ER (màu xanh) dưới cánh tiêm kích Australia trong một cuộc thử nghiệm năm 2015. Ảnh: BQP Australia.
Chưa rõ số lượng và phiên bản bom JDAM-ER được Mỹ chuyển giao cho Ukraine, nhưng dường như chúng rất hạn chế. "Họ chỉ có đủ bom cho vài cuộc tập kích", tướng Hecker cho hay.
JDAM là tên gọi chung của những loại bom thông thường được hoán cải thành bom thông minh, bằng cách gắn các bộ dẫn đường, gồm thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) và hệ thống điều khiển. Đây là phương án giúp tận dụng kho dự trữ bom thông thường, thay vì phải sản xuất những quả bom dẫn đường có chi phí cao. Mỗi bộ dẫn đường được bán cho quân đội Mỹ có giá khoảng 25.000 USD, mức giá cho khách hàng nước ngoài có thể cao hơn nhiều.
Chỉ huy USAFE cho rằng bom JDAM-ER cho phép lực lượng Ukraine tấn công hàng loạt mục tiêu mới, bổ sung cho khả năng tập kích tầm xa của pháo phản lực HIMARS và những vũ khí phóng từ máy bay có sẵn trong biên chế của Kiev. Các phiên bản JDAM cũng có thể mang lượng thuốc nổ tới gần một tấn, so với đầu nổ gần 100 kg của đạn pháo HIMARS.
Dù vậy, tướng Hecker cũng thừa nhận môi trường tác chiến hiện nay có thể ngăn cản Ukraine phát huy tối đa tính năng của bom JDAM-ER. "Máy bay của họ phải bay thấp để tránh lưới phòng không đối phương. Điều này có thể hạn chế tầm bay của bom", ông nói.
Giới chức Ukraine và Nga chưa bình luận về thông tin.
Không quân Ukraine vận hành phi đội tiêm kích hạng nặng Su-27 và chiến đấu cơ hạng nhẹ MiG-29 từ thời Liên Xô, cùng cường kích Su-24 và Su-25 có tuổi đời khá cao. Mỹ đang tìm cách nâng cấp khả năng tác chiến cho lực lượng này, thay vì cung cấp tiêm kích như F-16, vốn đòi hỏi quá trình huấn luyện kéo dài và phức tạp cho phi công cùng kỹ thuật viên.
Vũ Anh (Theo Drive)