![]() |
Đặng Minh Tuấn. |
Thuở học trò, anh là một cậu bé tinh nghịch, với "thành tích" học tập loại xoàng. Tuy nhiên, niềm đam mê kỹ thuật đã đưa cậu học trò đến với những bãi rác của thành phố để tìm tìm, kiếm kiếm, lúc là mẩu dây đồng, khi là cái ống bơ gỉ để tạo ra những chiếc máy kỳ lạ. Cho đến khi cậu trò nhỏ đó học cật lực, thi đậu đại học điểm cao được sang Tiệp Khắc du học thì chiếc máy tính đã trở thành thứ không thể thiếu trong cuộc sống của Tuấn. Tại Tiệp Khắc, với thành tích 54 môn học đều đạt điểm cao nhất, anh đã giành được sự chú ý của Viện trưởng Viện Cơ ứng dụng Tiệp Khắc và được "đặc cách" đến phòng máy tính học, nơi vốn chỉ dành cho các nghiên cứu sinh.
Tuấn cho biết, Vietkey đã giúp người sử dụng tiếng Việt trên máy tính biết đến anh. Tuấn chỉ làm Vietkey trong lúc rãnh rỗi, nhưng phải mất tới 10 năm đeo đuổi nó, không kinh phí, không lợi nhuận, chỉ vì anh thấy nó thật cần thiết. Anh cho biết, sự không thống nhất bộ mã giữa các miền đất nước đã khiến anh gặp rất nhiều khó khăn trong công việc. Phần lớn các tỉnh phía Nam sử dụng VNI trong khi các tỉnh phía Bắc dùng TCVN 5712:1993.
Với bức xúc đó, anh đã bắt tay vào nghiên cứu Vietkey năm 1991. Cuối năm 1997, anh đã bắt đầu cho ra đời phiên bản Vietkey 32-bit hỗ trợ sử dụng Unicode. Unicode với tiêu chuẩn ISO 10646 là bộ mã 16-bit, có hơn 65.000 ký tự và có thể mã hóa trên một triệu ký tự với cơ chế mở rộng, cho phép mã hóa hầu như tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, điều khó khăn nhất là kinh phí, cụ thể là việc bán bộ Vietkey. "Người dùng vẫn có thói quen sử dụng những sản phẩm bẻ khóa chứ không bỏ tiền ra mua", Tuấn trăn trở.
Nếu một đĩa cài đặt Vietkey chỉ bán với giá 1 USD, thì với số máy tính trong cả nước có cài đặt Vietkey là 400.000 - 500.000 máy, Tuấn đã có 400.000 -500.000 USD. Nhưng thực tế, anh không thu được lợi nhuận. Có lúc anh cũng nản chí, nhưng rồi sự cần thiết của bộ mã tiếng Việt 16-bit lại thúc giục anh tiến lên phía trước.
Từ bộ Vietkey thử nghiệm năm 1997, đến cuối năm 1999 phiên bản Vietkey 2000 ra đời đã hỗ trợ hoàn chỉnh Unicode với không gian mã rộng gấp 256 lần so với các bộ mã 8-bit hiện hành. Đặng Minh Tuấn đã đề xuất bản dự thảo tiêu chuẩn bộ mã ký tự tiếng Việt 16-bit trên cơ sở Unicode/ISO 10646 lên Chính phủ để sớm ban hành việc thống nhất bộ mã này trong cả nước. Để đưa ra dự thảo này, Tuấn đã thử nghiệm trong hai năm qua bằng bộ gõ Vietkey, bộ gõ của Windows 2000, các công cụ kiểm tra chính tả tiếng Việt... Anh hy vọng, đến đầu năm 2002, bộ mã này sẽ được dùng trên cả nước.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)