Độc giả gửi câu hỏi tại đây.
Một trong những định hướng cơ bản của việc đổi mới giáo dục phổ thông là chuyển từ nền giáo dục chú trọng kiến thức, còn mang tính hàn lâm, chưa gắn với thực tế, sang nền giáo dục phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, nhằm hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Để thực hiện mục tiêu đó, những năm gần đây, giáo dục phổ thông Việt Nam đã bắt đầu chuyển mình từ phương pháp dạy học theo lối "truyền thụ một chiều" sang dạy và học tích cực, dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng.
Việc đổi mới phương pháp dạy học giúp giáo viên đóng vai trò là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động học tập. Từ đó đòi hỏi giáo viên phải có động lực đổi mới, nhiệt tình tâm huyết với nghề, tích cực học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy, thành thạo ứng dụng CNTT.
Giáo viên cũng phải dành nhiều thời gian cho soạn bài, chuẩn bị giáo án trước khi lên lớp. Biết động viên khích lệ học sinh, linh hoạt trong xử lý tình huống. Giáo viên cũng cần thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp, rút kinh nghiệm qua từng giờ giảng, điều chỉnh phương pháp dạy phù hợp với đối tượng học sinh để mang lại hiệu quả cao sau từng bài học.
Hiệu quả từ giáo dục phát triển năng lực học sinh là điều đã được ghi nhận và kiểm nghiệm thực tế. Tuy nhiên tới nay, không phải trường nào cũng thực hiện được và thực hiện thành công. Nguyên nhân chung được các nhà nghiên cứu và quản lý giáo dục chỉ ra bởi số đông nhà giáo còn mắc bệnh nghề nghiệp như chạy theo lý thuyết kinh điển, bám vào tri thức có sẵn trong sách giáo khoa, không gắn với thực tiễn đời sống, luôn cho mình là đúng, khó chịu với những thắc mắc của học sinh...
Bước vào năm học mới, năm học bản lề chuẩn bị cho việc áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu từ năm học 2020-2021, vấn đề phát triển năng lực học sinh thông qua dạy học tích cực càng thu hút sự quan tâm của giáo viên và người dân trong xã hội.
14h, ngày 30/8, ban quản lý dự án chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ có buổi giao lưu trực tuyến với độc giả VnExpress về việc dạy học phát triển năng lực trong nhà trường phổ thông.
Đại diện ban quản lý dự án chương trình Giáo dục phổ thông tham gia buổi tư vấn trực tuyến gồm: Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học, Giám đốc dự án RGEP; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Phương Nga (Đại học Sư phạm Hà Nội); Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, chủ biên Chương trình môn Lịch sử.
Thế Đan