*Độc giả gửi câu hỏi tại đây*
Tham gia trả lời phỏng vấn trực tuyến có Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Mai Trọng Khoa, nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử; Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng khoa Nội Ung bướu, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu, Trưởng đơn nguyên Huyết học và Trị liệu tế bào, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Ung thư có xu hướng phát triển nhanh trên thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm có nhiều bệnh nhân, ước tính mỗi ngày có khoảng hơn 450 người phát hiện bệnh. Năm 2018, nước ta có 164.671 ca mới mắc ung thư, 114.871 người tử vong do bệnh này.
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư, tùy loại bệnh, vị trí khối u, độ lan xa, giai đoạn bệnh... bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau. Hầu hết bệnh nhân sẽ phải trải qua phẫu thuật, mục tiêu chính là loại bỏ khối u, mô, hoặc các khu vực có liên quan các tế bào ung thư. Phương pháp phẫu thuật bao gồm: phẫu thuật laser (chùm ánh sáng); phẫu thuật điện (dòng điện); cryosurgery (nhiệt độ rất lạnh để đóng băng tế bào ung thư).
Với hóa trị, bác sĩ đưa liều thuốc đặc trị vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc đặc trị sẽ tấn công tiêu diệt tế bào ung thư nhưng mặt khác cũng làm tổn thương các tế bào lành, dẫn đến nhiều tác dụng phụ cho người bệnh. Còn xạ trị, bác sĩ sử dụng hạt năng lượng cao hoặc sóng để tiêu diệt, phá hủy tế bào ung thư, ngăn chúng lây lan. Bệnh nhân có thể kết hợp phương pháp này cùng với phẫu thuật hoặc hóa trị. Sau khi xạ trị, người bệnh có thể bị đau, mệt mỏi, phát ban vùng da.

Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Mai Trọng Khoa, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu, Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai (từ trái qua phải) sẽ giải đáp những thắc mắc của độc giả trong buổi phỏng vấn trực tuyến ngày 31/10.
Hiện, Việt Nam tiệm cận với các nước trên thế giới về những phương pháp, kỹ thuật mới trong điều trị ung thư. Những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực gen, tế bào gốc liên tục cập nhật mang đến hy vọng cho người bệnh. Bệnh nhân có thể tiếp cận những phương pháp chữa bệnh áp dụng trên thế giới như liệu pháp miễn dịch tự thân; nhiệt trị, cấy ghép tế bào gốc, thuốc miễn dịch.
Nếu chữa trị bằng phương pháp miễn dịch tự thân, người bệnh được tách lọc tế bào miễn dịch từ máu của mình. Các tế bào miễn dịch này sẽ được nuôi cấy tăng sinh tại phòng thí nghiệm ở điều kiện đặc biệt trong vòng 2-3 tuần nhằm nhân lên, sau đó, bác sĩ truyền lại vào cơ thể người bệnh 2 lần một tháng. Biện pháp có thể kéo dài cho đến khi các tế bào ung thư suy giảm, khối u không tiến triển.
Trong khi đó, tế bào gốc truyền vào cơ thể bằng đường tĩnh mạch, sau đó di chuyển trong mạch máu, tìm đến với tủy xương, phát triển, tạo các tế bào máu cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, giới chuyên gia đánh giá, phương pháp tăng thân nhiệt (đẩy nhiệt độ toàn bộ hoặc một phần cơ thể cao hơn giới hạn bình thường, từ 37 độ C lên khoảng 40 đến 45 độ C) sẽ góp phần đốt nóng khối u, hỗ trợ diệt tế bào ung thư mà không làm hại tế bào bình thường.
Vinmec là một trong những bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình điều trị ung thư đa mô thức, bên cạnh các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, bệnh viện ứng dụng phương pháp hiện đại trên thế giới như liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân, nhiệt trị, cấy ghép tế bào gốc.. giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị, chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, Vinmec hợp tác với Pennsylvania, một trong những trường đại học hàng đầu tại Mỹ xây dựng Trung tâm xuất sắc về ung bướu (COE) nhằm phát triển về nghiên cứu khoa học, nhân lực, nghiên cứu khoa học.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2019 - 2020, Vinmec sẽ phát triển đơn vị xuất sắc trong lĩnh vực ung thư vú, sau đó tiếp tục các lĩnh vực khác như ung thư phổi, gan, đại trực tràng...
Mọi thắc mắc xung quanh các phương pháp điều trị ung thư tiên tiến trên thế giới, các chuyên gia Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City sẽ giải đáp lúc 15h ngày 31/10 trên VnExpress.
Giáo sư, tiến sĩ Mai Trọng Khoa, nguyên là Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng bộ môn Y học hạt nhân, Đại học Y Hà Nội... Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tuyết Mai với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hóa trị, nội khoa ung thư. Trước khi là Trưởng khoa Nội Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, bác sĩ Mai là Trưởng khoa nội I bệnh viện Ung thư Quốc gia (Bệnh viện K).
Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Yi Hyeon Gyu là giảng viên khoa Huyết học và Ung bướu - Trường Đại học Y Inha, miền Nam Hàn Quốc, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Huyết học, truyền tế bào gốc tạo máu, điều trị ung bướu.
Ngọc Thi