Cuối tuần qua, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Hội đồng bán nhà nhà nước thành phố như trên.
Theo đó, chỉ có công nhân viên nhà nước thực sự khó khăn mới được giải quyết mua nhà sở hữu nhà nước theo Nghị định 61. Nghị định 61 của Chính phủ quy định, người thuộc diện được thuê hoặc mua nhà nhà nước là những đối tượng đặc biệt, được hưởng chính sách. Vì vậy, giá thuê hoặc bán cũng tính theo chế độ ưu đãi.
Thống kê của Hội đồng bán nhà TP HCM, tính đến ngày 25/12, thành phố đã duyệt giá bán cho 90% tổng số nhà thuộc diện được mua (khoảng 95.000 căn). 10% còn lại còn treo vì đều phức tạp về mặt pháp lý. Trong đó, hơn 5% còn vướng mắc chưa duyệt giá bán vì là quỹ nhà mới nhận chuyển giao từ các cơ quan, tổ chức; trường hợp còn tranh chấp giữa các thành viên trong hộ gia đình và giữa các hộ trong một khuôn viên nhà; hoặc hộ đang vướng tranh chấp giấy tay cần phải hợp thức hóa.
Từ ngày 1/1/2008, giá mua và thuê nhà theo Nghị định 61 sẽ được áp dụng theo quy định mới, cao hơn 4,6 lần so với mức hiện hành. Theo Hội đồng bán nhà thành phố, TP HCM còn khoảng 4.500 trường hợp không kịp duyệt giá trong năm 2007.
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng trình Chính phủ, bảng giá cho thuê nhà sở hữu nhà nước năm 2008 đối với biệt thự từ hạng 1 đến hạng 4, ở mức 11.300-24.800 mỗi m2. Nhà cấp 1 đến cấp 4, giá thuê vào khoảng 4.100-6.800 đồng mỗi m2. Riêng giá bán nhà 61 dự kiến sẽ theo khung thị trường.
![]() |
Hàng nghìn trường hợp tại TP HCM chưa mua được nhà 61 vì sang nhượng giấy tay. Ảnh: P.A. |
Trao đổi với VnExpress, Trưởng ban kiểm tra Hội đồng bán nhà TP HCM Trần Văn Viên thừa nhận: "Thời gian giải quyết thủ tục mua bán nhà 61 có chậm so với mong muốn của các hộ dân và bản thân nhà nước". Song, ông cho rằng đó là do tính phức tạp về mặt kỹ thuật và pháp lý của công tác bán nhà nhà nước.
Ông Viên giải thích, quản lý nhà sở hữu nhà nước trước đây thuộc nhiều ngành nhiều cấp. Chính vì thế, khi tiếp nhận quỹ nhà, Hội đồng bán nhà thành phố và các quận huyện phải phân loại, thống kê, đòi hỏi tính chính xác và khách quan nên không thể xét duyệt trong một sớm một chiều.
Đối với các trường hợp phức tạp, ông Viên đề nghị người sử dụng nhà 61 nên trực tiếp liên hệ với cơ quan nhà nước, tuyệt đối người dân không thông qua bất cứ tổ chức cá nhân trung gian nào. Lý do là để đảm bảo tính cụ thể và chính xác của thông tin, hạn chế nhiễu thông tin, suy diễn không chính xác, và ngăn ngừa tình trạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để trục lợi.
Ông Viên cho biết, quỹ nhà sở hữu nhà nước còn lại tương đối nhỏ và thường là trường hợp có nhiều vướng mắc. Hội đồng bán nhà sẽ tiếp tục kiến nghị lãnh đạo thành phố tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại để đẩy nhanh tiến độ.
Trong khi đó, không ít người đang thuê nhà nhà nước tại TP HCM thất vọng vì chưa được UBND quận nhận hồ sơ mua nhà. Anh Vũ Quốc Tuấn ở chung cư 60 Nguyễn Trãi, quận 1, cho biết, gia đình anh sang lại căn hộ từ năm 2001, từ đó đến nay vẫn đóng tiền thuê nhà đúng hẹn hàng năm cho Công ty quản lý nhà quận 1 bằng biên lai thu tiền mang tên người chủ cũ.
Trên thực tế, căn hộ này đã được sang tay nhiều lần, đến lượt anh là đời thứ 4 nhưng hợp đồng thuê nhà nhà nước vẫn đứng tên người đầu tiên. Nay, người chủ đầu tiên đã dời đi nơi khác từ lâu. Hợp đồng thuê nhà nhà nước bản gốc cũng bị thất lạc. Anh Tuấn đã làm hồ sơ trình bày sự việc đến Công ty quản lý nhà quận 1 xin trích lục hợp đồng gốc thì bị từ chối với lý do phải người đứng tên thuê mới được quyền nhận bản sao y. Lên UBND quận nhờ tư vấn thì cũng được thông báo là phải có hồ sơ gốc.
"Tôi rất hoang mang, không biết qua năm thành phố nói là xây sửa lại nhà rồi tăng giá thuê, trường hợp sang tay như gia đình tôi có được đứng tên thuê lại nhà không, có được mua nhà diện chính sách vì chúng tôi chưa có nhà riêng; hay bị nhà nước lấy lại nhà", anh Tuấn băn khoăn.
Tại UBND quận huyện TP HCM, lượng người đến hỏi thăm lần chót về việc nộp hồ sơ xin mua nhà sở hữu nhà nước cũng tăng cao ngay trước thềm năm mới. Sáng nay số phiếu phát ra tại bộ phận làm thủ tục nhà đất của UBND quận 1 hơn 500, nhiều người chờ đến giờ nghỉ trưa vẫn chưa đến lượt mình giao dịch.
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Dũng hồi giữa năm 2007 đã từng khẳng định với VnExpress, nhà nước chắc chắn sẽ không đuổi người dân ra đường để lấy lại nhà cho người khác thuê, mà tùy trường hợp cụ thể quyết định bán hay cho thuê.
Vũ Lê