TS. Lê Đăng Doanh. |
- Ông đánh giá thế nào về tác động của tăng giá xăng đối với giá tiêu dùng?
- Tôi cho rằng, giá xăng tăng lên sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thêm khoảng 1,5%. Các ngành như vận tải hàng hóa, dệt may, đánh bắt thủy sản sẽ chịu nhiều ảnh hưởng và cần có nỗ lực rất lớn.
Tôi tin rằng nỗ lực của riêng họ sẽ không đủ để bù đắp mức tăng 30% của giá xăng, mà phải có sự hỗ trợ của Chính phủ và địa phương, để duy trì hoạt động của doanh nghiệp và công ăn việc làm cho người lao động. Cần xem xét các tác động và có chính sách hỗ trợ, không nên để họ phải tự bươn chải trước các sức ép. Các nước khác cũng đều làm như vậy.
- Ông có cho rằng, tăng giá xăng lúc này tạo nên nhiều sức ép đối với kinh tế vĩ mô?
- Tôi nghĩ rằng việc tăng giá xăng theo thị trường là cần thiết. Người dân và doanh nghiệp đều cần chia sẻ sức ép của thị trường thế giới, chứ Việt Nam không thể như một ốc đảo êm đềm, tránh được mọi ảnh hưởng của thế giới bên ngoài và tiêu xài như khi giá xăng còn rẻ.
Nhưng tôi nghĩ cũng nên có lộ trình về điều chỉnh giá mặt hàng thiết yếu, làm sao để người dân và doanh nghiệp có thể dự báo và điều chỉnh nhất định.
- Khi các địa phương hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, làm thế nào để người dân dễ dàng tiếp cận các khoản hỗ trợ đó?
- Các chính sách trợ cấp cần làm sao để tiền đến tận tay người dân. Chẳng hạn khi trợ cấp giá xăng dầu cho ngư dân, cần tạo điều kiện cho họ đăng ký, và quy định đi như thế nào thì dược hỗ trợ ở mức bao nhiêu. Không nên làm theo cơ chế xin - cho.
- Gần đây vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bất động sản đang chiếm tỷ trọng lớn và có xu hướng gia tăng. Ông nghĩ sao?
- Tôi cho rằng các cơ quan phụ trách việc cấp phép nên tính toán vấn đề này. FDI vào bất động sản tạo ra ít việc làm, không tạo ra ngoại tệ, cũng không trực tiếp sản xuất ra hàng hóa. Khi nhà đầu tư rút vốn, họ cũng cần dùng tiền đồng để mua lại ngoại tệ. Như thế lại tạo nên sức ép đối với cân đối thanh toán quốc tế của Việt Nam.
- Nhiều doanh nghiệp FDI cũng than rằng họ gặp khó khăn khi đầu tư, từ đất đai, cho đến nhân sự. Theo ông phải làm gì để khắc phục?
- Giải phóng mặt bằng liên quan đến điều chỉnh luật pháp, và phải làm sao để bình đẳng đối với nông dân. Phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương đó. Chính quyền phải cưu mang và đào tạo họ, chứ không thể chỉ đưa cho họ tiền. Tôi thấy có nơi để đất hàng năm không làm gì cả, tron gkhi nông dân ko có đất để làm. Chẳng hạn như mới đây tôi đến Bắc Giang, thấy có khu công nghiệp do một doanh nghiệp nào đó từ TP HCM ra đăng ký làm, nhưng 2 năm nay họ không làm gì, đất thì vẫn bỏ không.
Một việc nữa là phải cải thiện sự điều hòa phối hợp giữa chính quyền địa phương và trung ương. Ví dụ như Phú Yên cấp phép cho nhà máy lọc dầu, Khánh Hòa cấp phép nhà máy thép Posco, nhưng không phải là việc riêng của 2 tỉnh này, mà cần đến sự phối hợp về điện, bến cảng, kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực... Vì thế cần có sự phối hợp của trung ương và địa phương ở từng dự án.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần hợp tác chặt chẽ trong đào tạo nghề và cao đẳng. Tôi nghĩ mô hình phối hợp giữa ngành giáo dục và doanh nghiệp như đang thực hiện cần được nhân rộng. Cần tránh trường hợp như mới đây một doanh nghiệp FDI lớn vào Việt Nam cần tuyển 1.000 nhân sự, mà cuối cùng họ chỉ tuyển được hơn 40 người đạt yêu cầu. Tôi tin là người Việt Nam có khả năng, nhưng học hành đào tạo rất quan trọng.
Ngọc Châu ghi