Thứ tư, 29/7/2020, 21:19 (GMT+7)

'Tứ đại gia' công nghệ trước phiên điều trần lịch sử

Người đứng đầu Apple, Google, Amazon, Facebook sẽ cùng điều trần trước Hạ viện Mỹ về chống độc quyền, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của làng công nghệ.

Phiên điều trần của Mark Zuckerberg (Facebook), Jeff Bezos (Amazon), Tim Cook (Apple) và Sundar Pichai của Alphabet (công ty mẹ của Google) diễn ra vào 23h ngày 29/7 (giờ Việt Nam). Đây không phải lần đầu các gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon phải điều trần trước các nhà lập pháp Mỹ, nhưng lại là sự kiện hiếm hoi quy tụ cả bốn CEO quyền lực. Phiên điều trần sẽ xoay quanh các vấn đề về hành vi chống độc quyền và phản hồi của các công ty về vấn nạn tin giả, quan điểm việc kiểm duyệt tin tức hay quyền riêng tư của người dùng.

Facebook và nghi vấn thâu tóm quyền lực

Facebook là mạng xã hội được Mark Zuckerberg thành lập năm 2004. Nhiệm vụ của Facebook là "mang thế giới lại gần nhau hơn" thông qua kết nối Internet. Tính đến quý I/2020, mạng xã hội này có 2,6 tỷ người dùng. Facebook chủ yếu kiếm tiền bằng cách bán quảng cáo trên nền tảng của mình. Doanh thu trong năm 2019 của họ đạt 70,7 tỷ USD.

Mark Zuckerberg, CEO FaceBook. Ảnh: Xinhua.

Năm 2012, Facebook mua lại Instagram, hai năm sau họ tiếp tục mua WhatsApp. Cả hai nền tảng này đang hoạt động như hai dịch vụ riêng biệt và đều vượt mốc hơn tỷ người dùng.

CEO Zuckerberg sẽ phải điều trần trước Quốc hội Mỹ trước cáo buộc rằng họ mua lại hai công ty trên để thâu tóm quyền lực, xoá sổ các đối thủ tiềm năng. Các nhà lập pháp đang tính đến viễn cảnh tách hai ứng dụng này khỏi công ty mẹ - Facebook.

Ngoài ra, Facebook cũng sẽ phải giải trình về vấn nạn tin giả trên nền tảng này. Những lùm xùm liên quan đến cuộc bầu cử 2016 có thể được nhắc lại như một ví dụ điển hình về nỗ lực của Facebook trong việc kiểm soát thông tin sai lệch, chống lại tự do ngôn luận. Vấn đề này được các nhà lập pháp đặc biệt quan tâm khi cuôc bầu cử 2020 đang đến gần.

Amazon và cáo buộc cạnh tranh thiếu công bằng

Amazon là nền tảng bán lẻ trực tuyến được Jeff Bezos thành lập năm 1995. Mục tiêu của họ là "liên tục nâng cao trải nghiệm của khách hàng". Với sự nhạy bén của mình, Bezos đã tạo ra một "khu chợ" lớn nhất hành tinh. Amazon chưa bao giờ công bố họ có chính xác bao nhiêu người dùng thường xuyên, nhưng Bezos tiết lộ năm 2018 rằng công ty đã vượt mức 100 triệu khách hàng Prime tại Mỹ. Doanh thu năm 2019 của họ đạt 280,5 tỷ USD, tương đương GDP của Pakistan.

Jeff Bezos, CEO Amazon. Ảnh: Deereporterst.

Ngoài trang thương mại điện tử, Amazon cũng kinh doanh dịch vụ đám mây với doanh thu trong quý I/2020 đạt 10,2 tỷ USD. Dịch vụ Web Services của Amazon cũng hoạt động tương đối tách biệt với các mảng còn lại của công ty.

Jeff Bezos sẽ phải trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề cạnh tranh thiếu công bằng trên nền tảng của mình. Amazon bị cáo buộc sử dụng dữ liệu từ người bán hàng để phát triển các sản phẩm cạnh tranh riêng. So với ba CEO còn lại, cuộc điều tra lần này sẽ khó khăn hơn nhiều vì đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trước quốc hội. Amazon cũng sẽ đối mặt với các câu hỏi từ nhân viên uỷ ban về cách xếp hạng sản phẩm được rao bán trên nền tảng.

Google và thuật toán xếp hạng kết quả tìm kiếm

Google được thành lập năm 1998 bởi hai chàng trai trẻ là Larry Page và Sergey Brin. Tháng 8/2015, Google công bố kế hoạch tổ chức lại công ty với tư cách là một tập đoàn với tên Alphabet Inc. Google là công ty con hàng đầu của tập đoàn với sứ mệnh "tổ chức thông tin thế giới" và kiếm tiền chủ yếu bằng cách bán quảng cáo.

Đầu năm nay, Google cán mốc hai tỷ người dùng cho các sản phẩm G Suite (trong đó có Gmail và các ứng dụng như Google Docs). Năm 2019, YouTube, mạng xã hội video thuộc Google cũng ghi nhận 2 tỷ người dùng hoạt động thường xuyên mỗi tháng. Doanh thu năm 2019 của Alphabet đạt 161,9 tỷ USD, tương đương GDP của Ukraine.

Sundar Pichai, CEO Alphabet. Ảnh: Dpa.

Việc Google mua lại DoubleClick vào năm 2007 đã thiết lập vị trí thống lĩnh của họ trong thị trường quảng cáo kỹ thuật số. YouTube cũng hoạt động tương đối độc lập so với công ty mẹ.

CEO Sundar Pichai sẽ phải điều trần trước Hạ viện về nhiều vấn đề liên quan đến kiểm duyệt nội dung, tin giả, và cạnh tranh thiếu công bằng trong ngành quảng cáo kỹ thuật số. Các chi tiết về thuật toán sắp xếp nội dung ưu tiên sẽ xuất hiện trong bảng tìm kiếm cũng là một trong những câu hỏi lớn Pichai phải giải trình. Ngoài ra Google cũng bị chỉ trích về việc không thể thiết lập được một công cụ tìm kiếm ở thị trường Trung Quốc.

Apple và 'thuế 30%'

Apple được thành lập từ năm 1977 với sứ mệnh là "tạo ra những sản phẩm tuyệt vời" để mang đến cho mọi người những thiết bị tốt nhất. Công ty xuất thân từ việc bán phần cứng và đang tìm cách xây dựng doanh thu từ các dịch vụ. Cuối năm 2019, 1,5 tỷ thiết bị Apple được người dùng trên thế giới sử dụng thường xuyên. Doanh thu trong năm gần nhất của công ty đạt 260,2 tỷ USD.

Tim Cook, CEO Apple. Ảnh: 9tomac.

Các nhà lập pháp đang xem xét về quyền kiểm soát của Apple đối với kho ứng dụng App Store và giới công nghệ đang nóng lòng muốn biết Tim Cook sẽ phản hồi như thế nào về việc này.

Các điều tra chống độc quyền của Apple chủ yếu xoay quanh các chính sách trong App Store. Các nhà phát triển ứng dụng buộc phải chi trả 15-30% lợi nhuận cho Apple nếu muốn ứng dụng có mặt trên cửa hàng. Các thành viên uỷ ban cũng có thể đặt câu hỏi về việc hãng cố tình loại bỏ hoặc hạn chế các ứng dụng giúp phụ huynh kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị khỏi App Store.

Trước đó, Tổng chưởng lý Bill Barr cũng chỉ trích Apple là cố làm thân với chính phủ Trung Quốc bằng cách gỡ bỏ một số ứng dụng cần thiết cũng như việc sản xuất quá nhiều iPhone ở quốc gia này.

Ý nghĩa thực sự của phiên điều trần

Điểm thú vị là dù bị điều trần về chống độc quyền và cạnh tranh thiếu công bằng với các công ty nhỏ, trên nhiều mặt trận, chính bốn "đại gia" công nghệ này cũng đang cạnh tranh khốc liệt với nhau. Điều này khiến cuộc điều trần càng thu hút sự chú ý của cộng đồng.

Apple và Google cùng cung cấp hệ điều hành trên smartphone (iOS và Android). Các doanh nghiệp quảng cáo khổng lồ của Facebook và Google đang cạnh tranh với nhau, Amazon cũng có mặt ở chiến trường này với khoảng 10% thị phần quảng cáo kỹ thuật số.

Google và Amazon đều tạo ra các thiết bị đối đầu với Apple, thậm chí Facebook cũng chen chân vào ngành sản xuất các thiết bị công nghiệp với sản phẩm thực tế ảo.

Việc cả bốn CEO cùng có mặt trong cuộc điều trần cho thấy đây là vấn đề của toàn ngành chứ không phải một cuộc tấn công vào riêng công ty nào.

Bốn CEO của "big four" sẽ điều trần trước quốc hội Mỹ. Ảnh: The Quint.

Theo Washington Post, các gã khổng lồ công nghệ đủ khả năng xây dựng một thị trường độc quyền mà ở đó họ sẽ dùng năng lực tài chính để đàn áp các doanh nghiệp nhỏ. Sự cạnh tranh không công bằng đã làm giảm số lượng doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh tế, tác động đến sự phát triển của cả ngành.

Một số người chống lại phiên điều trần như Joe Kennedy, thành viên cao cấp của Quỹ Sáng tạo và Cộng nghệ thông tin, nói với Forbes rằng: "Các nền tảng tạo ra giá trị kinh tế đáng kể. Các công ty này tìm cách tăng trưởng nhanh chóng. Họ liên tục đổi mới để thu hút người dùng mới và giữ lại những người dùng họ có."

Còn theo The Verge, phiên điều trần chỉ là điểm khởi đầu, không thể xem là điểm kết thúc như những gì nhiều người mong đợi. Bốn CEO đều là những người lão luyện, có nhiều kinh nghiệm và thời gian để chuẩn bị cho những gì cần nói trước quốc hội. Họ cũng có thể lái mũi nhọn về các ứng dụng Trung Quốc như TikTok khi nói về các quy tắc cạnh tranh mới, khiến Mỹ giảm sức ảnh hưởng so với đối thủ. Tuy nhiên các thành viên đảng Dân chủ cũng sẽ cố gắng né tránh vấn đề này để tập trung vào việc bốn ông lớn đang tìm cách sao chép hoặc "mua để giết" các đối thủ mới nổi.

Các nhà lập pháp cũng chịu nhiều áp lực trong phiên điều trần chứ không chỉ là bốn CEO công nghệ. Nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp, phiên điều trần có thể mở ra kỷ nguyên mới liên quan đến quy định chống độc quyền trong lĩnh vực công nghệ. Cuối cùng, các nhà lập pháp và người dùng khắp thế giới cũng được nghe câu trả lời trực tiếp nhất từ "tứ đại quyền lực" cùng lúc.

Khương Nha