Người gửi: Hà Việt Anh
Kính thưa quí độc giả của VnExpress, nhân dịp đọc được ý kiến của một sinh viên đang học tại Mỹ đóng góp cho ngành giáo dục, tôi cũng có vài dòng góp ý nhỏ bé của mình, chia sẻ những khó khăn chung cùng những trăn trở mà ngành giáo dục nước nhà đang gặp phải.
Tôi hiện đang học cao học tại Nhật sau khi tốt nghiệp đại học cũng ở Nhật. Trước khi sang Nhật, tôi luôn nghĩ đến việc một quốc gia nào đó đạt được một chiếc HCV Olympic là một điều quá sức thần kỳ và khó có thể hiểu được tại sao họ đã làm những gì để đạt được điều đó. Việt Nam mình gần đây cũng chỉ mới có chiếc HCB về võ thuật của chị Trần Hiếu Ngân.
Nhưng sau 6 năm ở Nhật, tôi thấy điều đó quả thực dể hiểu, và trên một nguyên tắc cũng dễ hiểu vô cùng. Tôi là một người yêu thể thao nên cũng tham gia nhiều câu lạc bộ thể thao ở Nhật, và cũng để tâm quan sát xem cách họ tập luyện.
Lấy ví dụ ở môn bơi. Các em học sinh Tiểu học được dẫn đến bể bơi từ lúc 5 tuổi. Để tránh cho các em sợ hãi với nước và tránh đi cảm giác không có bố mẹ bên cạnh, những cô giáo dạy bơi được tuyển chọn là những người tâm lý nhất, và có giọng nói ngọt ngào nhất.
Đầu tiên, họ cho các em ngồi trên thành bể và thò chân xuống bể bơi, để các em làm quen và thích thú với việc nghịch nước. Sau khi các em cảm thấy thực sự thích nghịch nước, họ kê những cái ghế nặng xuống bể bơi, các em đứng trên ghế đó, sao cho mực nước chỉ đến đầu gối các em.
Cứ dần dần như vậy, các em làm quen và mực nước cũng được hạ sâu xuống, đến rốn, rồi đến ngực. Trong khi cô đang dìu một em bơi, các em khác ngồi trên bờ ngoan ngoãn đạp nước. Cứ như vậy cho đến 5 tuổi rưỡi thì các em dạn nước. Và đến 6 tuổi bắt đầu biết bơi, 7 tuổi thì thực sự thành thạo.
Chúng ta hãy thử làm một phép tính đơn giản thế này. Tất cả các học sinh của Nhật đều biết bơi và cứ trong 1.000 học sinh như thế sẽ chọn được một em có triển vọng để đào tạo thành vận động viên. Giả sử Nhật có một triệu học sinh trên tổng số 125 triệu dân, thì họ đã chọn ra được 1.000 học sinh có triển vọng đào tạo thành vận động viên.
Và cứ qua các vòng tuyển chọn, đào tạo, cuối cùng, cử đi 5 vận động viên xuất sắc nhất thì chúng ta có thể hiểu, 5 người được cử đi này xuất sắc đến cỡ nào.
Còn ở Việt Nam, môn bơi hoàn toàn không có trong chương trình thể dục, mọi học sinh phải học bơi theo phong trào. Như vậy, sẽ có rất ít học sinh biết bơi, và vì vậy việc nguồn lựa chọn cho những vận động viên triển vọng lại càng ít đi nữa.
Chúng ta hãy so sánh nguồn tuyển chọn vận động viên từ hai nước sẽ thấy ngay được cái gốc rễ của vấn đề, tất cả đều từ ươm mầm non mà ra cả.
Trên đây chỉ là một ví dụ về môn bơi lội, người Nhật họ còn làm tốt như thế cho các môn khác thuộc bộ môn thể dục từ các cấp bậc tiểu học và trung học.
Vài dòng chia sẻ cùng bạn đọc và hy vọng bức thư này đóng góp được ý kiến nào đấy cho các lãnh đạo ngành giáo dục đang trăn trở về vấn đề cải cách giáo dục nước nhà.
Hà Việt Anh (Sinh Viên Khoa Cao học quản trị kinh doanh, Trường Ritsumeikan Asia Pacific University- Japan)