![]() |
Thiếu nhi say mê đọc truyện tranh tại nhà sách. |
Tại những gian hàng bày bán sách thiếu nhi, có thể dễ dàng nhận ra truyện ngoại hấp dẫn bạn đọc ngay từ cái tựa sách. "Đọc những tựa truyện nước ngoài ví dụ như: Vua bánh mì, Truyền thuyết thiên nữ, Bảy viên ngọc rồng, Thám tử lừng danh Conan, Giỏ trái cây, Bác sĩ quái dị, Ngôi nhà hạnh phúc, Chị em sinh đôi... là em và bạn bè thấy thích đọc ngay. Còn những truyện như: Sự tích trầu cau, Tấm Cám, Sơn Tinh Thủy Tinh cũng hay, nhưng em đã được học ở trường và cũng đã biết qua nội dung, vậy nên em không chọn mua", bạn Nguyễn Thị Mai, học sinh lớp 8 trường Bùi Thị Xuân, TP HCM, cho biết.
Nhìn những tựa truyện tranh Việt khắp các nhà sách, có thể thấy mảng truyện đời thường bị khuyết hẳn. Hiện nay, có không ít nhà xuất bản tham gia vào lĩnh vực xuất bản và phát hành truyện tranh, tranh truyện thiếu nhi. Thế nhưng, ngoài NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Tổng hợp Đồng Nai, phần đông các nhà xuất bản khác đều chọn lựa mảng truyện "an toàn" là truyện cổ tích, truyện danh nhân lịch sử - văn hóa, hoặc chuyển thể từ kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam - thế giới (mà môtíp của những truyện này thường hay trùng nhau).
Ba "cột trụ" của truyện tranh Việt hiện nay là Cuộc du hành của Kiến Tí Nị, Thần đồng đất Việt và Cô tiên xanh. Nếu xét về đối tượng phục vụ, trọn bộ 16 tập Kiến Tí Nị có lẽ chỉ phù hợp với độ tuổi từ 10 trở xuống, vì nội dung cốt truyện chưa nhiều kịch tính, chưa đánh đố và kích thích bạn đọc nhí ở tuổi nhỉnh hơn, dù rằng chú kiến Việt cũng đã dũng cảm vượt qua hàng rào "cổ tích" để chu du đại dương, mặt trăng, sao Hỏa trên những chiếc phi thuyền bay. Còn Thần đồng đất Việt viết về những chuyện rút ra từ cuộc đời của các danh nhân như Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Vũ Duệ, Hà Tông Huân, Lê Quý Đôn. Truyện chứa nhiều hiểu biết về lịch sử, văn hóa, tiểu sử danh nhân, tục lệ, lễ hội truyền thống, ca dao, tục ngữ, câu đối… Điều này một mặt có tác dụng giúp các bạn đọc trẻ vừa giải trí vừa học được nhiều kiến thức hay. Nhưng mặt khác cũng vô tình làm cho nhân vật Trạng Tí cùng những người bạn Sửu, Dần, Mẹo của cậu mang dáng dấp của "ông bà cụ non" hơn là những bạn trẻ dễ thương.
![]() |
Chú mèo máy Đôrêmon đã, đang và sẽ còn là người bạn yêu thích của trẻ em Việt Nam. |
Bạn Dương Ái Khanh, học sinh lớp 7A1 trường Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, TP HCM, cho biết: "Truyện tranh Việt Nam hiện nay, em thích Thần đồng đất Việt nhất. Nhưng theo em thấy, những tập đầu của Thần đồng đất Việt rất hay, càng về sau càng ít vui hơn, tranh vẽ cũng lặp lại nhiều. Ví dụ như cái miệng của Trạng Tí và các nhân vật khác lúc nào cũng ngoác ra".
Truyện tranh Việt Nam đề cập cuộc sống đời thường, hiện nay thành công nhất là bộ truyện Cô tiên xanh của NXB Tổng hợp Đồng Nai. Xuất hiện và tồn tại hơn 10 năm nay, hơn 200 tập Cô tiên xanh ra đời là một bằng chứng của sức hấp dẫn ở mảng truyện tranh có chủ đề gần gũi với cuộc sống của trẻ em Việt Nam. Thế nhưng "được cái này, mất cái kia", hình vẽ của Cô tiên xanh vẫn còn bị phàn nàn là chưa đẹp, chưa cuốn hút và quá đơn giản.
Những truyện "ngày xửa ngày xưa..." luôn luôn vẫn rất cần, nhưng không vì thế mà những truyện "ngày nảy ngày nay..." lại bị xếp xó. Không phủ nhận vai trò giáo dục quan trọng của truyện tranh cổ tích, truyền thuyết lịch sử, nhưng mãi bắt các em day đi day lại cũng những nội dung ấy với những hình tượng ông bụt, bà tiên, yêu tinh quỷ quái với môtíp quen thuộc (thậm chí có em gần như thuộc lòng, lật mấy trang đầu đã biết mấy trang sau nói gì, vẽ gì) thì không thể tránh khỏi việc các em cảm thấy chán vì đơn điệu. "Như thế thì có bất công quá không khi chúng ta hạn chế đi một phần quyền được vui chơi, giải trí của các em", đó là ý kiến của chị Nguyễn Thị Hà, nhân viên nhà sách Nguyễn Huệ, TP HCM. Và một thực tế cho thấy, trước sự thiếu vắng không khí tuổi thơ Việt Nam hiện đại trên các trang truyện tranh, các em đã phản ứng bằng cách chúi mình vào những câu chuyện đời thường, những không gian trường lớp, mối quan hệ bạn bè, yêu đương, gia đình của Nhật Bản, Hàn Quốc...
Bạn Nhật Lam, sinh viên ĐH Sư phạm TP HCM và cũng là người hâm mộ truyện tranh, kể lại: "Tôi nhớ khi tôi còn là một học sinh, thày giáo tôi có lần chê truyện Đôrêmon "không mang tính giáo dục" chỉ vì trong truyện có chi tiết: Nobita lúc nào cũng thích nhảy vào phòng tắm của cô bé Xuka. Thực ra, nếu nhìn với con mắt của một đứa bé thì đó là chi tiết nghịch ngợm tuổi học trò, chính vì thế nó rất gần gũi với bạn đọc nhí. Còn cứ nhồi nhét biết bao nhiêu bài học đạo đức vào truyện tranh trong khi cách thể hiện không đạt thì cũng chẳng ích lợi gì".
Hùng Lân, một trong những họa sĩ của bộ truyện Cô tiên xanh, trăn trở: "Làm thế nào để cân bằng, hài hòa giữa hình thức và nội dung truyện tranh Việt Nam? Giải quyết tình trạng lệch pha giữa hai mặt này, từ đó dẫn đến những đột phá trong lĩnh vực sáng tạo truyện tranh Việt... có lẽ đó chính là những vấn đề cấp bách chúng ta cần bàn và làm ngay trong thời điểm này. Hiện tại, có rất nhiều bạn trẻ tâm huyết với điều đó nhưng các bạn mắc một sai lầm là quá tôn sùng truyện Nhật với phong cách Manga. Chúng ta chỉ có thể thành công bằng việc học hỏi từ Manga cùng với việc "động não" để sáng tạo những nội dung truyện thật hay. Nếu chỉ dừng lại ở việc bắt chước cách vẽ mà thôi thì chắc chắn có lúc sẽ tắc tị".
Anh Vân