"Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) là một cơ sở thí nghiệm khoa học bao quát với khả năng vận hành tự động dài hạn, xây trên bề mặt Mặt Trăng và/hoặc quỹ đạo Mặt Trăng. ILRS sẽ thực hiện những hoạt động nghiên cứu khoa học đa mục tiêu và đa lĩnh vực như khám phá và khai thác Mặt Trăng, quan sát môi trường, thí nghiệm khoa học cơ bản và kiểm nghiệm công nghệ", Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) viết trong bản thông báo hôm 9/3.
CNSA và Roscosmos sẽ tạo điều kiện cho việc hợp tác sâu rộng với ILRS, mở cửa với mọi quốc gia quan tâm và đối tác quốc tế, đẩy mạnh trao đổi nghiên cứu khoa học, thúc đẩy con người khám phá và sử dụng không gian cho các mục đích hòa bình. Thông báo của CNSA và Roscosmos không cung cấp thời gian hoạt động dự kiến của trạm nghiên cứu Mặt Trăng.
NASA cũng đang thực hiện tham vọng khám phá Mặt Trăng với chương trình Artemis. Theo kế hoạch, phi hành gia sẽ lên Mặt Trăng giữa những năm 2020, giúp con người hiện diện ổn định và lâu dài trên Mặt Trăng vào cuối thập kỷ. NASA hy vọng điều này sẽ tạo đà cho việc đưa người lên sao Hỏa vào những năm 2030. NASA không thực hiện chương trình Artemis một mình mà phối hợp với nhiều đối tác ở khu vực tư nhân và 8 nước khác.
Nga và Trung Quốc không nằm trong số những đối tác của Artemis. Nga đã phối hợp chặt chẽ với Mỹ trong lĩnh vực vũ trụ, đặc biệt là chương trình Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Tuy nhiên, lãnh đạo Roscosmos Dmitry Rogozin cho biết, Nga sẽ không trở thành đối tác của Artemis.
Trung Quốc cũng không thể tham gia nhiều trong công cuộc chinh phục Mặt Trăng của NASA. Từ năm 2011, NASA và Văn phòng Chính sách Công nghệ và Khoa học Nhà Trắng đã bị cấm hợp tác với các đối tác Trung Quốc trong những dự án vũ trụ, trừ khi Quốc hội chấp thuận trước.
Thu Thảo (Theo Space)