![]() |
Hình minh họa tàu Thần Châu 8 của Trung Quốc kết nối với module Thiên Cung 1 trên vũ trụ. Ảnh: spacenewsnow.com |
Tuyên bố trên được đưa ra khi Trung Quốc vừa phóng thành công phi thuyền Thần Châu 8 sáng nay. Tàu sẽ kết nối với Thiên Cung 1 - module thí nghiệm được phóng lên không gian từ tháng 9 - ở độ cao 343 km. Quá trình kết nối sẽ diễn ra trong hai ngày tới.
Đây là lần kết nối đầu tiên trong vũ trụ của Trung Quốc. Nếu nỗ lực kết nối thành công, nó sẽ mở đường cho sự ra đời của trạm không gian thực sự của Trung Quốc vào khoảng năm 2020 tới 2022. Trạm không gian này sẽ là nơi các nhà du hành có thể lưu lại trong nhiều tháng.
Trung Quốc sẽ phóng tiếp hai tàu không gian khác vào cuối năm tới với ít nhất một tàu có người lái và hai nữ du hành đầu tiên đang được huấn luyện để thực hiện nhiệm vụ này.
Hai nữ du hành Trung Quốc đều ở độ tuổi 30 và là phi công thuộc Lực lượng Không quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. 14 nhà du hành trước đây của Trung Quốc, được tuyển dụng từ năm 1997, đều là nam giới.
Cả hai nữ du hành đều đã kết hôn do Trung Quốc yêu cầu các nữ phi hành gia đã lập gia đình mới được tham dự chương trình không gian. Nước này tin rằng phụ nữ đã kết hôn sẽ trưởng thành hơn về thể chất và tâm lý.
"Chúng tôi phải đánh giá các nhà du hành ở cả hai giới để xem liệu con người có thể sống trong không gian khi có những sự khác biệt lớn giữa nam giới và nữ giới hay không", ông Chen Shanguang, giám đốc Trung tâm Phi hành gia Trung Quốc nói.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Huffington Post, nhà du hành của NASA Tracy Caldwell cho biết việc vệ sinh cá nhân là một thách thức lớn đối với các nữ phi hành gia. Trang phục của phi hành đoàn không được thiết kế dành cho phụ nữ. Ngoài ra, nhà vệ sinh trên Trạm Không gian quốc tế (ISS) được thiết kế bởi người Nga và gần như chỉ dành cho nam giới.
Nga là nước đầu tiên đưa nữ giới lên vũ trụ năm 1963. Nữ phi hành gia đầu tiên này là Valentina Tereshkova, điều khiển tàu Vostok 6. NASA sau đó đưa phụ nữ đầu tiên lên không gian năm 1983 bằng tàu Challenger.
Trung Quốc bắt đầu chương trình tàu không gian có người lái vào năm 1990, sau khi mua lại công nghệ của Nga. Năm 2003, Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới đưa con người lên vũ trụ, sau Nga và Mỹ. Bắc Kinh quyết tâm mở trạm không gian riêng sau khi nỗ lực tham gia dự án lắp đặt ISS của họ thất bại do vấp phải sự phản đối từ Mỹ. Trung Quốc xem chương trình không gian đầy tham vọng là biểu tượng cho tầm vóc toàn cầu ngày càng lớn mạnh của mình.
Anh Ngọc