Thứ trưởng thương mại Trung Quốc Jiang Zengwei hôm nay phát biểu rằng tranh chấp quần đảo mà nước này gọi là Điếu Ngư còn Nhật gọi là Senkaku sẽ "không thể không" ảnh hưởng xấu đến thương mại.
Trước đó chính phủ Nhật xác nhận đã chi gần 26 triệu USD để mua ba trong số 5 hòn đảo tranh chấp từ từ chủ tư nhân người Nhật. Hành động này khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận. Các cuộc biểu tình đã diễn ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc, một số người dân Trung Quốc lên mạng kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật.
"Hợp tác thương mại đôi bên đòi hỏi các nỗ lực chung để cùng có lợi", Jiang phát biểu trong một cuộc họp báo. "Nếu người tiêu dùng Trung Quốc thể hiện quan điểm của họ phản đối Nhật" trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, "họ có quyền làm như vậy và tôi hiểu được điều đó".
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Số liệu thống kê của hải quan Nhật cho hay xuất khẩu từ quốc đảo sang Trung Quốc lên đến 73 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Nhật nhập hàng hóa trị giá 91 tỷ USD từ Trung Quốc trong cùng kỳ.
Các sản phẩm Nhật mà Trung Quốc tiêu thụ chủ yếu gồm xe hơi và đồ điện tử. Báo chí Trung Quốc mới đây đưa tin về việc một số tour đi Nhật đã bị hủy.
Trong khi đó phía Nhật vẫn kêu gọi đôi bên bình tĩnh. Ngoại trưởng Koichiro Gemba đề nghị nên nhìn nhận tình hình một cách tổng thể và bảo đảm hòa bình.
Sau khi Nhật công bố mua đảo, Trung Quốc thông báo điều hai tàu hải giám đến khu vực đảo tranh chấp. Nhật tuyên bố sẽ đưa các tàu tuần tra bờ biển ra "đón tiếp" ngay khi các tàu Trung Quốc "đến hoặc đến gần" quần đảo.
Căng thẳng Trung - Nhật bùng phát và ngày càng gia tăng, đặc biệt từ giữa tháng 8, khi một nhóm người Trung Quốc đi tàu đến và đổ bộ lên một đảo trong Điếu Ngư/Senkaku. Họ bị tuần duyên Nhật bắt và sau đó trục xuất. Vài ngày sau một nhóm người Nhật đổ bổ lên đảo và cắm quốc kỳ.
Chính phủ Nhật nói mục đích của việc quốc hữu hóa các đảo là để duy trì hòa bình, điều mà Trung Quốc mạnh mẽ phản đối.
Mai Trang