Hà Linh
Trước thực tế này, tiểu thuyết gia Nhị Nguyệt Hà, đại biểu quốc hội, đề xuất, nhà nước nên miễn thuế cho những người cầm bút.
"Nhà văn sẽ cảm thấy được khuyến khích khả năng sáng tạo nếu họ được miễn thuế, nếu họ không phải đóng góp cho nhà nước đồng nào từ trang viết của mình", Nhị Nguyệt Hà nói. Ông cho rằng, số nhà văn thực sự gắn bó và sống chết với nghề ở Trung Quốc hiện nay không nhiều. Vì vậy, nếu nhà nước miễn thuế cho họ thì cũng chỉ thất thu một số tiền nhỏ, không hề có tác động tiêu cực gì đến nền kinh tế đất nước. Ông còn đề nghị chính phủ thành lập một giải thưởng tương đương với Nobel, không chỉ về mặt danh tiếng mà còn về giá trị tiền thưởng, nhằm tôn vinh, khuyến khích và góp phần bảo trợ cuộc sống của những cây bút có tài.
Nhị Nguyệt Hà đề xuất chính sách miễn thuế. |
Đề nghị của Nhị Nguyệt Hà nhận được sự tán thành của nhiều người nhưng không phải là tất cả. Một số nhà văn - đối tượng được hưởng lợi từ sáng kiến trên - đã thẳng thắn bày tỏ thái độ phản đối.
Dư Hoa, tác giả của những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như Huynh đệ, Phải sống, Chuyện Hứa Tam Quan bán máu khẳng định, không có mối liên hệ nào giữa thuế má và công việc viết lách của nhà văn. Theo ông, đóng thuế là nghĩa vụ của mọi công dân. "Nếu nhà nước hỗ trợ tài chính hoặc miễn thuế cho nhà văn, vậy họ việc gì phải cố sáng tác ra những tác phẩm xuất sắc", ông nói.
Dư Hoa cho rằng, chính sách thuế hiện tại của Trung Quốc có thể coi là đã thể hiện sự "kính trọng" đối với nhà văn. Dư Hoa giải thích, với những tác phẩm xuất bản trong nước, ông phải trích 13% để đóng thuế; con số này đối với các tác phẩm của ông được dịch và xuất bản tại châu Âu và Mỹ là 33-34%.
"Hơn nữa, những nhà văn phải đóng thuế nhiều là những người có thu nhập cao. Vậy thì họ còn cần gì đến sự chiếu cố của nhà nước nữa. Nếu miễn thuế hoàn toàn cho nhà văn thì cũng nên miễn thuế cho giáo viên, công nhân và quân nhân", Dư Hoa bày tỏ.
Dư Hoa phản đối miễn thuế cho nhà văn. |
Diêm Liên Khoa, một trong những tiểu thuyết gia được ưa chuộng nhất hiện nay tại Trung Quốc khẳng định, nhà văn không thể có bất cứ đặc quyền gì trong nghĩa vụ đóng thuế. "Còn rất nhiều người có cuộc sống thê thảm hơn nhà văn, ví như người nông dân đầu tắt mặt tối hay những kẻ lang thang dầm mưa dãi nắng bán mua - họ vẫn phải đóng thuế đấy thôi", ông so sánh.
Còn với đề xuất thành lập "giải Nobel của Trung Quốc", nhà thơ Muji cho rằng, Trung Quốc không thiếu các giải thưởng, chỉ có điều các giải thưởng này chưa được chú ý một cách đúng mức.
Ngoài việc đưa ra những đề xuất có lợi cho nhà văn, Nhị Nguyệt Hà còn lo ngại rằng, giá thành sách quá cao như hiện nay tại Trung Quốc sẽ hạn chế sự phát triển văn hóa của nước này.
Chính vì vậy, theo ông, việc đánh thuế thu nhập nhẹ tay cũng nên áp dụng cho các nhà xuất bản thuần túy khai thác những tác phẩm văn hóa, văn học. Nhà văn lấy ngay ví dụ của mình để chứng minh. Nhị Nguyệt Hà cho biết, tác phẩm của ông thường có giá bìa khoảng 500 tệ - hơn 1 triệu đồng (một bộ bìa cứng), bản bìa mềm cũng đã có giá khoảng 300 tệ (640 nghìn đồng). Theo ông, với mức giá đó, những độc giả có thu nhập thấp hoặc sống ở nông thôn rất khó có điều kiện để mua sách. "Thật đau đớn cho nhà văn nếu độc giả không thể mua nổi những cuốn sách do họ viết ra", Nguyệt Hà nói. Vì vậy, nếu nhà nước giảm thuế cho nhà xuất bản hoặc tác giả, giá bìa sách cũng sẽ giảm theo. Điều này sẽ có lợi cho bạn đọc.
Đề xuất này hiện cũng là vấn đề được nhà văn và giới làm sách ở Trung Quốc quan tâm.
(Nguồn: danwei)