![]() |
Ảnh: Corbis.com. |
Hiện nay, không chỉ giới nhà giàu mà ngay cả những gia đình có thu nhập tương đối cũng cố vay ngân hàng chạy đua cho con du học. Con cái đi xa đã khiến nhiều bậc cha mẹ phải chấp nhận nhiều nỗi lo toan mới và cả những buồn vui không dễ thích nghi.
Vợ chồng anh Việt, chủ hai tiệm bánh mì có tiếng ở TP HCM là một trong số những người nhìn xa trông rộng và đầu tư thỏa đáng cho việc học của con. Hai con của anh đều đi du học theo dạng tự túc từ rất sớm: Thằng con trai đầu giành được một suất học bổng bán phần tại một trường đại học lớn ở Mỹ. Sau một học kỳ, cô em nhớ anh xin phép đi thăm, rồi thích môi trường học tập bên đó quá nên thuyết phục bố mẹ cho sang học cấp 3.
Vợ chồng anh đã mua ngôi nhà nhỏ cạnh trường học và sắm chiếc "xế hộp" để hai con tiện bề sinh hoạt và yên tâm học hành.
Không thuộc vào hàng kinh tế dư dả như vợ chồng anh Việt, gia đình anh Nam cũng cố gắng lo cho cậu con trai duy nhất sang Singapore du học. Chi phí học tập và sinh hoạt lên đến hàng chục nghìn USD mỗi năm. Anh Nam chỉ còn biết cắm đầu "cày" để trả món nợ ngân hàng mượn lúc con đi học xa và khoản chi tiêu hằng tháng của cậu ấm.
Vượt qua sự trống vắng
Như vợ chồng anh Việt, lúc các con mới đi học xa, phần thì lo, phần nhớ con tưởng chừng không chịu nổi. Ban ngày bù đầu với công việc còn đỡ, tối về nhà cửa vắng tanh, hai người buồn xo ngồi nhìn nhau. Cũng may, thời buổi công nghệ thông tin hiện đại nên cũng vơi được phần nào.
Từ khi các con du học, vợ chồng anh cố gắng sắp xếp lại việc kinh doanh, đổi phiên nhau để đi thăm con. "Có lần bà xã sang với bọn nhỏ, mẹ con quấn quýt nhau hơn tháng trời mới chịu về. Tôi ở nhà 'giữ hũ gạo' ra vào bần thần, lo lắng, cứ mong đến giờ con tan học để lên mạng gặp nhau. Khổ nỗi giờ Việt Nam và Mỹ lại chênh nhau nên muốn gặp con, tôi phải mất ngủ luôn", anh Việt kể.
Còn anh Nam, những ngày con mới đi Singapore lại than vãn với bạn bè: "Nhà cửa trống trải. Vợ chồng 'son' ngồi nhìn nhau mà nẫu ruột. Mình nhớ con nhưng cố giấu trong lòng, vợ thì hết than thở lại đâm ra cau có, giận hờn".
Biết vợ buồn khi con xa nhà, anh Nam tạm gác những cuộc vui với bạn bè, hết giờ làm việc là vội về nhà phụ chị những việc nho nhỏ. Lúc có việc làm thêm thì anh đi, còn không, tối anh thường chở vợ dạo phố, mua sắm, xem ca nhạc và hai người cùng chát với con để kiểm tra việc học tập, sinh hoạt, sức khỏe của cậu ấm hằng ngày. Anh bảo: "Mình phải tỏ ra thật 'cứng' để con cái yên tâm học tập chứ không thì con nhớ mẹ, mẹ nhớ con, cứ than thở mãi, mọi việc sẽ rất tồi tệ".
Tuy nhiên, có không ít gia đình khi rơi vào hoàn cảnh "tổ rỗng" lại tận dụng cơ hội này tự do bay nhảy theo sở thích riêng. Như vợ chồng anh Long, chủ doanh nghiệp đồ gỗ có tiếng, chị Vân kinh doanh bất động sản, chẳng hạn.
Công việc kinh doanh đã khiến hai người ít có thời gian dành cho nhau. Khi cậu con trai duy nhất sang Australia du học cũng là lúc vợ chồng họ không còn có khái niệm "bữa cơm gia đình". Mọi việc trong nhà giao hẳn cho chị giúp việc, còn mạnh ai nấy đi, có khi cả mấy ngày liền vợ chồng không thấy mặt nhau, có việc gì cần thì cứ trao đổi qua điện thoại.
Tình hình kéo dài một thời gian, biết nguy cơ tan vỡ sẽ xảy ra, chị Vân nhờ đến chuyên gia tư vấn. Nhưng mọi việc đã quá muộn, chồng chị không chịu được không khí gia đình lạnh lẽo đã tìm vui bên ngoài. Sợ ảnh hưởng đến việc học hành của con, vợ chồng họ thỏa thuận chờ ngày con ra trường mới làm thủ tục ly hôn.
Theo các chuyên gia tâm lý, trong giai đoạn con cái trưởng thành, đi du học xa, các bậc cha mẹ ngoài việc lo lắng về vật chất, còn phải đối diện với trạng thái tinh thần hụt hẫng, trống vắng... Vì vậy, cả vợ và chồng đều phải cố gắng dành thời gian cho nhau nhiều hơn, tăng cường hoạt động vui chơi giải trí để vượt qua cơn sang chấn tâm lý và tập quen dần với cuộc sống xa con.
(Theo Người Lao Động)