Trả lời:
Theo quy định tại Thông tư liên tịch của Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007, trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự) là hành vi gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch các bộ phận của cây (như lá, hoa, quả, thân cây có chứa chất ma túy).
Người thực hiện hành vi trồng cây có chứa chất ma túy chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp là đã được giáo dục nhiều lần, được tạo điều kiện ổn định cuộc sống và bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
a) “Đã được giáo dục nhiều lần” là đã được cơ quan nhà nước, tổ chức, người có trách nhiệm ở địa phương từ hai lần trở lên vận động, thuyết phục, nhắc nhở về việc không được trồng cây có chứa chất ma túy hoặc phổ biến đường lối, chính sách, quy định của pháp luật về cấm trồng cây có chứa chất ma túy. Các biện pháp giáo dục này phải được thể hiện bằng biên bản. Chỉ bị coi là “đã được giáo dục nhiều lần” nếu việc giáo dục được thực hiện trước khi bị xử phạt hành chính.
b) “Đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống” là đã được hỗ trợ về tiền vốn, kỹ thuật để sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi hoặc đã được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực… để thay thế các loại cây có chứa chất ma túy.
c) “Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” được hiểu là trước đó đã có hành vi trồng cây có chứa chất ma túy và đã bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, mà lại tiếp tục có hành vi trồng cây có chứa chất ma túy và bị phát hiện. (Theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì có hai hình thức xử phạt vi phạm hành chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền).
Nếu những người lén lút trồng cây có chúa chất ma túy, mặc dù đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 192 Bộ luật hình sự với mức hình phạt tối đa đến 7 năm tù, và có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng.
Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Hồng Hà
Số 8 Đình Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội
www.hongha.vn