"Gần 40 tuổi, những cơn đau do bệnh gai cột sống và cả thoát vị đĩa đệm mang lại khiến tôi không thể đi lại bình thường được. Một việc hết sức bình thường là đi lên cầu thang trong nhà cũng đau đớn, khó khăn. Tình cờ đọc báo thấy có người tập luyện yoga mà hết bệnh nên tôi tìm đến với bộ môn này", chị Phạm Thị Phương Liễu năm nay 48 tuổi, quê Hải Dương, đang là HLV môn yoga ở TP HCM, bắt đầu câu chuyện.
Vốn là người rất yêu thích thể thao, song phải nhiều căn bệnh nên chị Liễu đành phải gác bỏ niềm đam mê của mình lại. Những hoạt động đi lại thường ngày cũng khó khăn. "Một lần tình cờ tôi đọc bài báo nói về giáo sư, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, người bị bệnh lao phổi phải phẫu thuật đến 7 lần và cắt bỏ đến 8 chiếc xương sườn. Thậm chí các bác sĩ ở Pháp sau khi điều trị cho ông cho biết ông chỉ sống được vài năm thôi. Nhưng khi ông về Việt Nam tập yoga và đã dần vượt qua bạo bệnh, sống thêm 50 năm sau, đến 85 tuổi ông mới mất, bài báo có tác dụng mạnh mẽ với tôi và dẫn tôi đến với yoga", người phụ nữ chia sẻ.
![tro-thanh-hlv-yoga-vi-benh-gai-cot-song-va-thoat-vi-dia-dem](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2016/02/13/4-7784-1455342781.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lpyel7aj156TL8yN4xpRpA)
Chị Phạm Thị Phương Liễu trong một động tác yoga.
Theo chị Liễu, thời gian đầu tập luyện yoga, chị cực kỳ đau đớn. Với một người bình thường, việc thực hiện các động tác trong yoga chỉ mang lại sự đau đớn cho các nhóm cơ, nhưng riêng chị thì do mang bệnh nên khi tập không chỉ đau các nhóm cơ mà còn buốt đến xương tủy.
Đứng trước sự lựa chọn hoặc phẫu thuật, hoặc tập yoga để tìm kiếm cơ may hết bệnh, chị Liễu đã chọn yoga. Quyết tâm cao độ, cùng với đứng trước ranh giới của sự lựa chọn cho sức khỏe của mình, chị Liễu đã vượt qua đau đớn về thể xác để bắt đầu bằng những bài tập cơ bản đầu tiên.
"Trong tập yoga, điều quan trọng nhất là hít thở và thiền. Nó chính là yếu tố quyết định". Những căn bệnh kéo dài trước đó khiến chị Liễu bị stress nặng. Chính vì điều đó, chị không thể chọn môn thiền tĩnh trong yoga và tập thiền động. Việc tập trung cao độ để hoàn thiện các động tác khiến chị buông bỏ dần những suy nghĩ tiêu cực trước đó đã làm chị bị stress.
![tro-thanh-hlv-yoga-vi-benh-gai-cot-song-va-thoat-vi-dia-dem-1](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2016/02/13/3-2868-1455342781.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kzmDkAQ2rl2st3_ztY-4PA)
Kiên trì tập luyện yoga và buông bỏ suy nghĩ tiêu cực giúp chị Liễu tìm được niềm vui trong cuộc sống.
Cách đây 10 năm, yoga chưa phổ biến như bây giờ nên chị Liễu tự tìm hiểu để học hỏi. "Khi đó tôi chỉ tập yoga Hatha, sau này mới có dịp tiếp cận với các HLV yoga của Ấn Độ để học hỏi thêm, Nay tôi kết hợp cả yoga Ấn Độ và cả những động tác yoga Việt Nam đã học trước đó.".
Sau khi tập luyện yoga để điều trị bệnh hiệu quả, chị Liễu bắt đầu hướng dẫn lại cho một số người quen, bạn bè khi họ yêu cầu chị giúp. Dần dần, chị học thêm các khóa học do HLV Ấn Độ mở và trở thành HLV.
"Nhiều người đi học yoga để sau đó dạy lại, bản thân tôi đến với yoga trước hết là vì bệnh, tôi học để tự trị bệnh cho chính bản thân mình, dần dần người quen và bạn bè nhờ hướng dẫn nhiều nên tôi mở lớp luôn và đi học nâng cao để trở thành HLV yoga", chịLiễu bộc bạch.
![tro-thanh-hlv-yoga-vi-benh-gai-cot-song-va-thoat-vi-dia-dem-2](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2016/02/13/1-2195-1455342781.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=r8byTuIcwEPRmktKlSX8nQ)
Nhìn chị Liễu thực hiện các động tác yoga bây giờ, hiếm ai biết được hơn 10 năm trước chị bị gai cột sống, thoát vị đĩa đệm đến mức không thể đi lại dễ dàng được.
An Nguyên