"Triều Tiên báo trước cho chúng tôi rằng người đứng đầu Văn phòng liên lạc của họ không thể tham dự cuộc họp tuần này, nên cuộc họp sẽ không diễn ra", Lee Sang-min, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm nay cho biết. Đây là tuần thứ 8 liên tiếp đại diện của Triều Tiên không tham dự cuộc họp được tổ chức hàng tuần với Hàn Quốc.
Động thái của Triều Tiên làm gia tăng lo ngại về nguy cơ trao đổi giữa hai miền bán đảo bị đình trệ khi đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên chưa có tiến triển. Tuy nhiên, ông Lee khẳng định Hàn - Triều vẫn tiếp tục "thảo luận các vấn đề cần thiết theo cách thông thường".
Bình Nhưỡng và Seoul mở văn phòng liên lạc chung tháng 9/2018 tại thị trấn biên giới Kaesong của Triều Tiên, theo thoả thuận giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên vào tháng 4/2018.
Người đứng đầu văn phòng phía Hàn Quốc là Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae-sung, còn người đồng cấp phía Triều Tiên là ông Jon Jong-su. Hai nước cam kết tổ chức họp hàng tuần giữa hai trưởng văn phòng, chủ yếu diễn ra vào thứ sáu, để thảo luận về các vấn đề xuyên biên giới và thúc đẩy hợp tác.
Sau cuộc họp gần đây nhất diễn ra ngày 22/2, trưởng văn phòng hai bên chưa có thêm lần gặp gỡ nào kể từ khi hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc hôm 28/2 mà không có thỏa thuận nào được đưa ra.
Sau hội nghị, Triều Tiên chỉ trích Hàn Quốc vì không đủ tích cực trong việc thúc đẩy trao đổi xuyên biên giới và hợp tác, do "chịu áp lực từ Mỹ trong việc duy trì các lệnh trừng phạt với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hoá hoàn toàn".
Triều Tiên hôm 22/3 bất ngờ rút tất cả nhân viên khỏi Văn phòng liên lạc mà không nêu rõ lý do, nhưng một số nhân viên sau đó quay lại văn phòng làm việc. Giới quan sát cho rằng việc rút nhân viên của Triều Tiên là động thái gây áp lực để Hàn Quốc thuyết phục Mỹ giảm bớt yêu sách trong đàm phán phi hạt nhân.
Quan hệ hai miền bán đảo Triều Tiên có những bước tiến đáng kể từ năm ngoái, khi lãnh đạo hai bên có ba cuộc gặp thượng đỉnh. Dù vậy, tiến trình đàm phán hòa bình giữa hai nước vẫn bế tắc do đàm phán phi hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ ít có tiến triển.
Triều Tiên hôm qua bất ngờ thông báo nước này đã thử thành công một loại vũ khí chiến thuật dẫn đường mới, làm dấy lên lo ngại trong giới quan sát về nguy cơ gia tăng căng thẳng trên bán đảo. Tuy nhiên, tình báo Mỹ nhận định đây chỉ là một loại vũ khí chống tăng chưa hoàn thiện khả năng tác chiến và Washington cũng không đưa ra các tuyên bố chỉ trích Bình Nhưỡng.
Khánh Lynh (Theo Yonhap)