Ban tổ chức triển lãm cho biết, có hơn 10 bảo tàng và 12 nhà sưu tập tham gia trưng bày hiện vật để sự kiện diễn ra thành công. Đó là bảo tàng tại các tỉnh: An Giang, Bình Dương, Cần Thơ, Kiên Giang, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai... cùng các nhà sưu tập như: Trần Anh Dũng, Nguyễn Văn Hải, Tống Minh Hiệp, Nguyễn Hữu Triết, Huỳnh Phước Huệ...
Các cá nhân và đơn vị kể trên đã chọn lọc từ trong bộ sưu tập của mình những cổ vật tiêu biểu để công chúng chiêm ngưỡng và hiểu thêm về phần quá khứ từ lâu bị chôn vùi dưới nước của một vùng đất.
Hàng trăm cổ vật được đặt trên bệ xoay cho công chúng chiêm ngưỡng. |
Theo lý giải của các nhà khảo cổ, hàng trăm năm nay, dân cư vùng Nam qua sinh hoạt hàng ngày cũng như qua tai nạn, thiên tai, tàu bè bị chìm, đền thờ sụp đổ hoặc những trận thủy chiến... đã vô tình gieo vào lòng sông nhiều tàn tích, hiện vật. Nếu không có các nhà khoa học, nhà sưu tầm cất công tìm kiếm, lưu giữ thì khó ai hình dung được sự trù phú, khả năng sinh tồn và tinh thần chiến đấu cao của người Nam Bộ xưa.
Tại triển lãm, khán giả không khỏi rung động khi thấy nhiều hiện vật vốn lăn lóc gió bụi, bị chôn vùi trong bùn cát nay như "tái sinh" khi được đặt trong bối cảnh phục dựng trân trọng, tạo cho khán giả cảm giác đang lần theo bước thời gian để đến với nền văn minh miệt vườn xa xưa.
Hiện vật triển lãm rất đa dạng. Đó không chỉ là vật dụng sinh hoạt hết sức đời thường như: chiếc rìu, chiếc muỗng (thìa) bằng đá, lọ đựng hạt, ấm trà, vòng đeo tay bằng gốm mà còn có cả hiện vật quý như: chiếc cọc nhà sàn cao 3 m tại sông Hậu; trống đồng loại II Heger tìm thấy tại sông Đồng Nai; ngẫu tượng Yoni bằng đá kích thước 2,2 x 1,5 m (lớn nhất Việt Nam) trục vớt từ sông Đồng Nai, khẩu thần công dài 82,5 cm tìm thấy tại Vàm Rạch Gầm - Sông Tiền; khẩu đại pháo dài 4, 92 m, nặng hơn 14 tấn do thực dân Pháp đúc năm 1868 được vớt lên từ đáy sông Sài Gòn...
Ngẫu tượng Yoni bằng đá kích thước 2,2 x 1,5 m (lớn nhất Việt Nam) tìm thấy tại sông Đồng Nai. |
Qua hàng nghìn hiện vật trục vớt từ hàng trăm địa điểm, các nhà nghiên cứu kết luận, cổ vật dưới dòng sông Nam Bộ rất phong phú với nhiều chất liệu như đá, đồng, gốm, vàng bạc, gỗ... Chúng xuất xứ từ nhiều nước, không chỉ ở Việt Nam mà còn Campuchia, Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, Tây Ban Nha, Mexico... Điều này phản ánh nét đặc trưng của mối giao lưu văn hóa và xung đột quân sự trong lịch sử khẩn hoang, lập đất miền Nam.
Tại buổi khai mạc triển lãm, ban tổ chức cho biết, điều tương đồng thú vị với các phát hiện khảo cổ trong lòng đất Nam Bộ là cho đến nay chỉ có sông Đồng Nai là con sông duy nhất ở Nam Bộ tìm thấy các công cụ bằng đá của thời Tiền - Sơ sử. Điều này có thêm cơ sở để khẳng định là chỉ có một văn hóa Đồng Nai thời đại Đá tiêu biểu cho toàn vùng Nam Bộ.
Lấp ló con thuyền nhỏ, giề lục bình xanh biếc... mang lại cảm giác thích thú cho khán giả về không gian của nền văn minh miệt vườn xưa. |
Lịch sử các nền văn minh trên thế giới thường gắn liền với các dòng sông lớn: Ai Cập có sông Nile, Ấn Độ có sông Ấn - Hằng, Trung Quốc có Hoàng Hà - Dương Tử, và Việt Nam có sông Hồng. Riêng tại Nam Bộ các con sông lớn như sông Vàm Cỏ, Sài Gòn, Đồng Nai, Cửu Long... cùng mạng lưới kênh rạch chằng chịt liên thông đã định hình một phong cách và nét văn hóa riêng cho miền đất này. Chính vì thế, triển lãm Cổ vật từ các dòng sông Nam Bộ là niềm tự hào cho giới khảo cổ phương Nam.
Đặc biệt, nhân dịp này, nhiều nhà sưu tập tặng lại cho Bảo tàng lịch sử Việt Nam ở TP HCM hàng trăm cổ vật. Và không ít trong số họ đã nhen nhóm ý định xây dựng bảo tàng sưu tập tư nhân để cổ vật đến được với nhiều người hơn.
Thoại Hà