26 nhà điêu khắc gồm các tác giả xuất thân từ Đại học Mỹ thuật TP HCM, các giảng viên, sinh viên và ba nhà điêu khắc Lào đang học thạc sĩ tại trường. Các tác phẩm được sáng tác, thể hiện chủ yếu bằng loại hình điêu khắc tượng tròn và phù điêu.
Chủ đề trong tác phẩm đa dạng, từ phản ánh các vấn nạn xã hội đến tình yêu quê hương, đất nước. Những chai nhựa, tờ giấy cũ được các sinh viên sử dụng triệt để thành chất liệu sáng tác. Ở tượng Bốc bát họ, tác giả Lê Hoàng Phi Hùng dùng giấy báo tạo hình người đàn ông giàu có làm công việc cho vay nặng lãi. Còn ở Men say, tác giả Lê Sinh Trưởng dùng chất liệu vỏ lon bia khắc họa hình ảnh xe máy gặp tai nạn vì uống rượu bia khi tham gia giao thông.
Dự khai mạc triển lãm, khán giả Phạm Quyên, cho biết ấn tượng với cách trưng bày tác phẩm ngoài trời và sự sáng tạo của thầy cô trường mỹ thuật. "Từ những cốt sắt dang dở ở khu vực đang xây dựng của trường, các bạn vẫn sáng tác được một tác phẩm rất đẹp", chị nói.
Chương trình khởi nguồn từ ý tưởng của nhà điêu khắc Nguyễn Hoàng Ánh. Ông cho biết vui trước sự nỗ lực của các tác giả trẻ. Ông nói: "Triển lãm lần thứ 20 này không chỉ giới thiệu các tác phẩm mà còn là sân chơi để sinh viên giao lưu, học tập lẫn nhau, giải thưởng cũng chỉ mang tính tương đối. Các bạn còn trẻ sẽ có những ý tưởng mới lạ và chút 'điên rồ'. Tuy nhiên, thầy cô luôn ủng hộ, tạo điều kiện để các em bước xa hơn trên con đường sáng tạo, khẳng định bản thân".
Triển lãm điêu khắc truyền thống là hoạt động thường niên của sinh viên ngành Điêu khắc Đại học Mỹ thuật TP HCM, được tổ chức lần đầu năm 2001. "Triển lãm lần này không chỉ giới thiệu tác phẩm của những nhà điêu khắc trẻ mà còn khẳng định sự bền bỉ, không lùi bước trước khó khăn của sinh viên trong thời Covid -19", nhà điêu khắc Trần Tuấn Nghĩa nói.
Theo thầy Nghĩa, phần lớn sinh viên làm việc tại lớp và xưởng điêu khắc trong trường, khi Covid- 19 bùng phát, giai đoạn giãn cách xã hội, trường mỹ thuật phải dừng mọi hoạt động nên các bạn bất đắc dĩ phải làm việc tại nhà. Tuy nhiên, không gian ở nhà không phù hợp để điêu khắc vì đặc thù nghề nghiệp gây bụi bặm và liên quan đến hóa chất. Điều này ảnh hưởng đến sức làm việc của các tác giả. "Nhiều bạn lo lắng không thể tổ chức triển lãm vì dịch. May mắn, cuối cùng sinh viên vẫn cố gắng hoàn thiện tác phẩm để trưng bày như dự định", anh cho biết.
Ngọc Trúc