Hình ảnh những chiếc đồng hồ, mà không chiếc nào chỉ thời gian giống chiếc nào. Hình ảnh mảnh trăng cong veo trên mũi đao nhọn hoắt. Hình ảnh của mặt trời vàng ươm đang lên trên biểu tượng hoa sen của ngôi đền, chùa ở Malaysia… mà như bà Shireen Naziree- chuyên gia giám tuyển của triển lãm cho biết, chính là biểu hiện rõ nét của sự ảnh hưởng Văn hóa Ấn Độ với văn hóa Malaysia. Tất cả đã thể hiện khái niệm thời gian luân chuyển của văn hóa Malaysia… Và sự chuyển đổi khá rõ nét của “hành trình” lịch sử của Malaysia, từ những tác phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống của đất nước này, đến những tác phẩm mang đậm nét hiện đại được thể hiện bằng những quân cờ Đôminô, biểu trưng cho hình ảnh của đất nước với những tòa nhà cao tầng.
“Chuyển tiếp” giới thiệu đến người xem các tác phẩm từ bộ sưu tập nghệ thuật Malaysia về môi trường xã hội đương đại của Malaysia và mối quan hệ với các nước láng giềng ASEAN trong giai đoạn phát triển, đặc biệt là từ sau khi giành được độc lập. Cuộc triển lãm đề cập những ảnh hưởng đan xen của lĩnh vực chính trị- xã hội trên một mặt bằng chung gắn kết người dân khu vực, mang lại một ASEAN đậm đà giá trị văn hóa, với một nền kinh tế khu vực vững chắc, nương tựa lẫn nhau…
Điều dễ thấy là sự “bám rễ” truyền thống của các họa sĩ Malaysia, và có lẽ đây chính là bí quyết thành công, cũng là bí quyết để họ có được nguồn năng lực dồi dào cho những sáng tác của mình. Không quá cầu kỳ, không quá màu mè, đậm chết văn hóa của một đất nước khu vực Đông Nam Á; đậm chất Malaysia trong cả màu sắc, hình tượng, trang phục nhân vật… nhưng vẫn rất gần gũi, đó là cảm nhận chung từ những tác phẩm trưng bày. Đó là những tác phẩm của Latiff Mohidin, người góp mặt trong triển lãm không chỉ bằng những tác phẩm mà bằng những câu cách ngôn đầy thú vị về “nghề vẽ”. Tác phẩm của ông, là sự “khảo sát mối liên hệ của các nghệ sĩ Malaysia với những loại hình nghệ thuật đâm chồi từ di sản hậu thuộc địa những năm 1960- 1970, cũng như bút pháp của họ nhằm thoát khỏi những phạm vi nhàn tiện, phục nguyên cái bản sắc đẫm màu thời gian và truyền thồng. Với Latiff Mohidin, ông đã gộp cả 2 chiến lược nghệ thuật thị giác đó với nhau nhằm xác định cái hồn cốt văn hóa của người Malaysia trong bối cảnh lịch sử Đông Nam Á của họ. Các tác phẩm của ông tránh mô tả những hình ảnh kiểu mẫu, mà thay vào đó biểu lộ những cái nhìn về quá khứ và tái định vị nó. Điều này, có thể thấy rõ trong những tác phẩm như “Pago- Pago”, loạt tranh “Langkawi”.
Với những họa sĩ khác như Shia Yih Yiing, thì điều tác giả gửi gắm là những câu hỏi về bản sắc văn hóa của cư dân bản địa Malaysia. Sinh trưởng tại tiểu bang Sarawak thuộc ĐÔng Malaysia, trên đảo Borneo, nơi mà văn hóa của người Hoa di cư hòa quyện cùng văn hóa bản xứ, nữ họa sĩ này đã khám phá ra sự đa dạng của những họa tiết ghi dấu những câu chuyện về xứ sở Trung Hoa hay của người Sarawak- những người đã dệt nên truyền thống lịch sử phong phú.
Và đặc biệt ấn tượng chính là những cái tên nhưg Nirmala Shammughalingam, hay Masnoor Ramli Mahmud… với việc khám phá lối đi riêng cho mình mà vẫn không xa rời cội nguồn Đông Nam Á. Những họa sĩ này đã khắc họa nghệ thuật của mình với một cảm xúc đặc biệt, chứa đựng những vấn đề rộng lớn hơn đối với toàn khu vực. Trong bức tranh có tên gọi “Ký ức Việt Nam II” của Nirmala và “Đôi ngả” của Masnoor có sự nối kết tác giả với lịch sử hiện đại nhiều bi thương của Việt Nam…
Không chỉ giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật, trong khuôn khổ triển lãm này sẽ có hai bài thuyết trình về lịch sử nghệ thuật của Malaysia, nội dung xoay quanh lịch sử văn hóa nghệ thuật, các hoạt động hiện tại, giá trị và vai trò nền nghệ thuật Malaysia trong mối tương quan với các nước ASEAN khác. Cả hai bài thuyết trình diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Việt lúc 5 giờ chiều lần lượt vào ngày 4 và ngày 30 tháng 9.
Triển lãm lần này do Galeri Petronastổ chức. Galeri Petronaslà tổ chức hỗ trợ sự phát triển của nghệ thuật tại Malaysia thông qua việc cung cấp một phòng trưng bày đa năng mang tầm thế giới cho các nghệ sĩ Malaixia và quốc tế trưng bày tác phẩm của mình. Đây là lần đầu tiên Galeri Petronasđem những tác phẩm của mình tới một nước, bên ngoài Malaysia. Và vinh dự Việt Nam đã được chọn đầu tiên. Được biết, sau Việt Nam, các tác phẩm sẽ được tiếp tục trưng bày tại Manila (Philippine), Jakarta (Indonesia), Singapore, Bangkok (Thái Lan) và cuối cùng là Kuala Lumpur (Malaysia) vào năm 2010.
(Nguồn: Công ty Hình ảnh chuyên nghiệp)